Công Sinh - Công Dưỡng

Chương 4


05

 

Làng Bảo Hoa từng có một người làm đến chức Điển ký chính thất phẩm, người này đưa cả cha mẹ và huynh đệ tỷ muội đến kinh thành, từ đó gia đình thoát khỏi cảnh bùn lầy.

 

Vì thế, trong làng vốn đã có truyền thống cho con gái học hành.

 

Giang Thụy cũng là một trong số đó, và lần này ta sẽ đến bái kiến thầy dạy của cô ấy.

 

Phùng Chiếu Thu vốn định đích thân đưa ta đến bái sư, nhưng sáng nay, con bò nhà ta đột ngột đẻ, bà không thể rời đi, đành nhờ Giang Thụy giúp đỡ.

 

"Thầy dạy còn trẻ, nhưng tài năng xuất chúng. Nghe nói là con gái nhà quan lớn ở kinh thành, sau khi chồng qua đời, quyết chí không tái giá, đến ẩn cư ở làng Bảo Hoa."

 

Giang Thụy kể chuyện về thầy dạy như đổ đậu trong ống tre.

 

Con gái nhà quan vốn gắn bó chặt chẽ với tiền đồ của cha huynh, ngay cả khi chỉ bàn chuyện son phấn, cũng đã là chuyện kín đáo, lời nói thốt ra cũng chỉ dừng lại ở ba phần là cùng.

 

Giang Thụy và ta rất có thể sẽ trở thành đối thủ trong kỳ thi, nhưng cô ấy không giấu giếm điều gì, điều này thật khác với những gì ta đã từng chứng kiến.

 

Ta nói với Giang Thụy những suy nghĩ trong lòng, cô ấy cười vang, rạng rỡ như ánh bình minh.

 

"Niệm Chi tỷ tỷ, gặp thầy rồi tỷ sẽ hiểu thôi."

 

Nhà của thầy nằm bên hồ, chỉ có một con đường nhỏ dẫn vào.

 

Hai bên đường là liễu rủ, hoa nở, trên đường đi phải khẽ vén hoa để đi qua, cảnh sắc thanh nhã, như lạc vào Đào Nguyên.

 

Cuối con đường là một hàng rào trúc xanh, cổng trúc mở rộng. Trong sân, một nữ nhân ăn mặc như đạo sĩ đang đứng dưới cây, tay... rót rượu vào miệng?

 

Thấy Giang Thụy đến, nữ nhân kia vỗ trán: "Quên mất, hôm nay khai giảng!"

 

Giang Thụy bất lực nói: "Thầy ơi, tranh thủ lúc còn chưa ai đến, thầy mau tỉnh rượu đi!"

 

Tề Kiến Chân đặt vò rượu xuống, ánh mắt lướt qua mặt ta: "Tiểu muội này, hình như ta đã gặp ở đâu rồi?"



 

Giang Thụy xoa trán: "Mấy ngày trước con đã nói với thầy rồi mà, đây là con gái của dì Phùng, vừa mới từ kinh thành trở về. Nếu thầy có gặp cũng chẳng có gì lạ. Thầy mau chuẩn bị đi, sắp đến giờ rồi."

 

Tề Kiến Chân "ồ" một tiếng: "Mẹ con trông cũng quen lắm."

 

"Quen quá đi chứ! Mỗi năm chỗ măng thầy ăn đều do dì Phùng lấy cho mà."

 

Giang Thụy quay lại nói với ta: "Thầy còn say rượu, nói nhảm đó. Chúng ta định đến sớm để chào thầy trước, nhưng không ngờ thầy lại uống rượu. Ta nghĩ chắc sáng nay thầy chẳng dạy nổi, chiều tỉnh được là may rồi. Đi thôi, để ta đưa tỷ đến chỗ ngồi."

 

Nhà học cũng làm bằng trúc, để lấy sáng nên chỉ xây nửa tường. Bên ngoài là rừng trúc, gió từ hồ thổi qua, mùi tanh của nước đã bị rừng trúc chắn lại, chỉ còn lại hương trúc trong lành phả vào má.

 

Người ta nói giàu sang ba đời mới biết thưởng thức cái ăn cái mặc, riêng về nơi ở, thầy đã thể hiện tâm ý khéo léo đến vậy, có lẽ lai lịch còn lớn hơn ta tưởng.

 

Nhưng những điều ấy chẳng liên quan đến ta. Ta ngồi xuống trước bàn, trên bàn là một cuốn “Xuân Thu”. Ta từng thấy cuốn sách này trong tay Lạc Nhu, Nghiêm phu nhân từng dạy cô ấy từng chữ một.

 

Giờ đây, cuốn sách này thuộc về ta.

 

Ta sẽ không còn phải nấp sau khe cửa để nhìn lén cái hạnh phúc không thuộc về mình nữa.

 

Phùng Chiếu Thu sẽ giống như Nghiêm phu nhân đối với Lạc Nhu, giữ cho ta một mái ấm, che chở ta khỏi gió lạnh.

 

06

 

Khi Tề Kiến Chân quay lại, tất cả học trò đã đến đông đủ.

 

Mười mấy người, toàn là các cô gái nhanh nhẹn, lanh lợi.

 

Trong lớp học, Tề Kiến Chân không còn vẻ uể oải, mà thể hiện ra khí chất tôn nghiêm của một người thầy.

 

"Phùng Niệm Chi?"

 

"Học trò có mặt."

 

"Biết chữ rồi chứ?"



 

"Biết được một chút."

 

"Đã đọc qua sách gì?"

 

"Tam Tự Kinh”..."

 

Tề Kiến Chân nhướng mày: "Đường đường là Hầu phủ, mà lại keo kiệt đến thế."

 

Ta cúi đầu, không đáp lại.

 

Bà lại nói: "Tam Tự Kinh cũng không tệ, những đạo lý lớn của đời người phần lớn đều nằm trong đó, còn tốt hơn việc ép người ta học Nữ Giới*."

 

"Hôm nay con đến lớp lần đầu, ta sẽ lặp lại những lời nhảm nhí kia một lần nữa.

 

"Các con đã đến đây học, chắc chắn là để học thứ gì đó thực sự hữu ích. Ta không dạy các con đạo làm vợ, càng không dạy đạo phục tùng chồng. Nếu các con đến đây với ý định đó, thì đúng là chọn nhầm thầy rồi, tốt nhất là nên đi sớm."

 

Đây là lần đầu tiên ta nghe Tề Kiến Chân giảng bài, bà dí dỏm, sâu sắc, biến những điển cố khó nhằn trở nên dễ hiểu.

 

Sau một buổi học, ta thấy mình như mê đắm.

 

Giang Thụy kể về dáng vẻ ngẩn ngơ của ta cho Phùng Chiếu Thu nghe, định là để bà vui, nhưng Phùng Chiếu Thu càng nghe, động tác bổ củi càng mạnh, lông mày nhíu càng chặt.

 

"Dì Phùng, dì không vui sao?"

 

Phùng Chiếu Thu nói: "Vui chứ. Từ nay về sau, không ai có thể ngăn cản Niệm Chi học hành nữa, sao ta lại không vui?"

 

Gió thổi qua, tóc bà rối bù trong làn khói bụi, rồi lại rơi xuống hai má, hằn lên những vết nếp nhăn.

 

Bà thực sự không có chút gì là đẹp cả.

 

Nhưng ngay khoảnh khắc này, ta lại khao khát được trở thành bà.