Edit: Bồng Bềnh
Ngày tháng qua nhanh như việc xé lịch vậy, “xoẹt” một tiếng là một ngày đã kết thúc.
Ban ngày dần thay thế trong cuộc giằng co với ban đêm, hai cây ngân hạnh ở cổng sân thể dục tạo nên một mảng màu vàng rực rỡ dưới trời mây nhè nhẹ lơ lửng. Tờ thông báo dán trên bảng thông báo cũng đã bị cuốn mép, phai đi một lớp màu; rồi vào một ngày nào đó không biết, nó lại âm thầm được gỡ xuống.
Kỳ thi tháng đầu tiên của lớp mười sắp đến.
Kết quả thi tháng này có liên quan đến việc phân lớp sau khi chọn khối tự nhiên hoặc xã hội, nên ai ai cũng rất coi trọng. Sự coi trọng này được thể hiện rõ ràng nhất ở học sinh lớp 10A1 – Họ vốn đã thuộc lớp thực nghiệm, nếu đối với học sinh các lớp khác, không cố gắng nghĩa là không đủ điều kiện vào ngưỡng cửa lớp thực nghiệm, nhưng đối với họ, không cố gắng thì lại là bị loại.
So sánh mà nói, “bị loại” rõ ràng là tàn nhẫn hơn nhiều.
Trường Liễu Nguyên số 1 luôn coi trọng tự nhiên hơn xã hội, học sinh lớp thực nghiệm cơ bản không được phép chọn ban xã hội. Nhưng sau khi phân khối, số lượng học sinh vào lớp thực nghiệm tự nhiên chỉ có 30 người, điều này có nghĩa là chắc chắn sẽ có người bị loại.
Những học sinh có thể thi đỗ vào top 100 của toàn thành phố trong kỳ thi vào cấp 3 thì khi ở cấp 2 cũng đều được coi là “niềm tự hào” của trường mình. Mà sự tàn nhẫn nằm ở chỗ, khi một nhóm những người giỏi nhất tụ họp lại, lúc thành tích xuất sắc không thể hiện được tính hiếm có của nó thì việc “biến mất” giữa đám đông lại trở thành trạng thái bình thường.
Làm sao để chấp nhận sự chênh lệch này?
Đây là thử thách mà nhiều học sinh lớp 10A1 đang phải trải qua.
Chu Phương Hoa là một trong số đó. Mặc dù hành tích kỳ thi vào 10 của cô nàng có phần vượt trội bứt phá, nhưng khi ở cấp 2, cô nàng cũng có cảm giác kiểm soát tuyệt đối đối với việc học. Tính cách Chu Phương Hoa yên tĩnh, không phải là kiểu nữ sinh thoáng cái đã được người khác chú ý, nhưng nhờ thành tích tốt, cô nàng cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ giáo viên và bạn bè. Vì vậy, điểm số là niềm tự hào lớn nhất của Chu Phương Hoa, đồng thời cũng là nguồn gốc của tất cả sự tự tin và cảm giác an toàn của cô nàng.
Nhưng bây giờ, mọi thứ đều đang dần mất kiểm soát. Ví dụ như môn Vật lý mà cô nàng luôn yêu thích, lúc nghe giáo viên giảng thì cảm thấy các kiến thức rất rõ ràng, nhưng khi bắt tay làm bài tập thì lại rất lờ mờ, gặp bài khó thì càng thấy bất lực hơn; hay như cô nàng đã rất chăm chỉ học thuộc Chính trị và Lịch sử, nhưng làm bài trắc nghiệm vẫn sai rất nhiều, bài tự luận cũng không lấy được điểm.
Bị đả kích nhiều lần, Chu Phương Hoa bắt đầu sợ trước sợ sau, không còn muốn thử thách với những bài khó, chỉ muốn làm đi làm lại những dạng bài mà cô nàng đã quá quen thuộc.
Mặc dù ngồi ngay bên cạnh là học sinh đứng đầu khối, nhưng Chu Phương Hoa cũng không dám hỏi quá nhiều. Một là cô nàng sợ làm phiền đến việc học của Lý Quỳ Nhất, hai là cô nàng cảm thấy thường xuyên hỏi bài như thế thì rất mất mặt.
Cô nàng không chủ động hỏi, Lý Quỳ Nhất cũng không chủ động dạy.
Lý Quỳ Nhất rất ít khi chú ý đến tình hình học tập của người khác. Mấy lần thấy Chu Phương Hoa đang đau đầu vì một câu hỏi, cô cũng không vội vàng tuỳ ý giúp đỡ. Bởi vì Lý Quỳ Nhất có một tật xấu là, nếu cô đang suy nghĩ về một câu hỏi mà có nhiều người đến xen vào chỉ điểm thì cô sẽ tức giận đến mức ba ngày ba đêm không ngủ được… Hừ, coi thường ai thế!
Suy bụng ta ra bụng người, Lý Quỳ Nhất nghĩ rằng chắc Chu Phương Hoa cũng có tâm trạng như vậy.
Chỉ có Kỳ Ngọc là thường xuyên đến thảo luận bài với cô.
Những bài mà cậu ta mang đến, dù là Toán hay Vật lý thì đều là bài dành cho thi đấu. Đôi khi để tiện thảo luận với Lý Quỳ Nhất, trong giờ tự học buổi tối, cậu ta sẽ trực tiếp đổi chỗ với Chu Phương Hoa.
Cuộc thảo luận của họ hầu như không cần nói chuyện, chỉ cần vẽ vài đường hoặc tính toán một hai bước trên giấy là hiểu ý nhau.
Đồng thời Kỳ Ngọc cũng mang đến một tin tức.
Gần đây, trường dự định tuyển chọn học sinh thi đấu và có ý định hoàn toàn tách biệt học sinh thi đấu với học sinh thi đại học thông thường. Nhà trường sẽ thành lập một lớp thi đấu riêng, hàng ngày chỉ học các môn thi đấu. Những khóa trước, ngày bình thường học sinh thi đấu vẫn học chung với lớp học sinh khác, họ chỉ tụ tập vào giờ tự học buổi tối để học các môn thi đấu, song năm nay cách làm này được coi là một thử nghiệm mới.
Điều này có nghĩa là, trở thành học sinh thi đấu là một việc cực kỳ rủi ro. Nếu con đường này không suôn sẻ, quay lại làm học sinh thi đại học thông thường thì sẽ trở nên khó khăn hơn.
Kỳ Ngọc hỏi: “Cậu có tham gia không?”
Lý Quỳ Nhất lắc đầu: “Mình không biết, hiện tại mình chưa có dự định này.”
Ở cấp hai, trường 158 cũng có lớp thi đấu. Giáo viên chủ nhiệm đã giới thiệu Lý Quỳ Nhất thử tham gia, nhưng tham gia tập huấn thi đấu cần một khoản phí lớn nên cô không đi, thậm chí cô còn không nhắc đến chuyện này với Lý Kiếm Nghiệp và Hứa Mạn Hoa.
Lý Quỳ Nhất hỏi ngược lại Kỳ Ngọc: “Cậu thì sao? Cậu sẽ tham gia chứ?”
Kỳ Ngọc nói: “Khả năng cao là mình sẽ tham gia. Bố mẹ mình mong muốn mình đi con đường này.”
Lý Quỳ Nhất nhớ lại những gì Hạ Lạc Di đã từng nói, bố mẹ Kỳ Ngọc đều là giáo viên ở trường, họ quản lý cậu rất nghiêm ngặt. Cô đột nhiên suy nghĩ: cô được nuôi theo kiểu “nuôi thả”, xưa nay không ai quản lý, chỗ tốt là không bị ràng buộc nhưng chỗ xấu lại là khả năng đi sai đường rất lớn, hơn nữa khi cô cần sự chỉ dẫn, cô chỉ có thể tự mình tìm đường; còn cậu thì bị quản lý chặt chẽ, chỗ tốt là có người cẩn thận sắp xếp từng bước đường, nhưng chỗ xấu là cậu chỉ có thể đi theo con đường đã định sẵn.
Vậy, cách nuôi dạy nào tốt hơn?
Lý Quỳ Nhất suy nghĩ một lúc lâu, sau đó mới chợt nhận ra mình đang phức tạp hoá vấn đề… Tại sao lại phải cực đoan như vậy? Không thể chọn một cách trung hòa sao?
Cô tự cười một mình.
Kỳ Ngọc thấy cô cười thì cũng cười theo. Cậu ta vừa hơi lo lắng vừa hơi tò mò, sờ mũi ngượng ngùng hỏi: “Cậu cười gì thế?”
Lý Quỳ Nhất không trả lời trực tiếp, chỉ hỏi: “Vậy cậu có muốn đi theo con đường thi đấu không?”
Kỳ Ngọc suy nghĩ kỹ lưỡng: “Mình có hứng thú với Toán, hiện tại mình cũng đủ khả năng, đi theo con đường thi đấu cũng là một lựa chọn tốt.” Cậu ta dừng lại một chút rồi đột nhiên chuyển hướng: “Thật ra mình nghĩ cậu cũng rất phù hợp với thi đấu Toán, đừng lãng phí thiên phú của cậu.”
Thiên phú…
Lý Quỳ Nhất không chỉ một lần nghe từ này được dùng để mô tả về mình, cô cũng từng tự hào đắc ý về điều đó. Nhưng Lý Quỳ Nhất nhớ, khi cô học lớp 8, thành phố Liễu Nguyên có một nữ sinh chỉ lớn hơn cô hai tuổi, vậy mà lớp 10 đã được chọn vào đội tuyển Toán quốc gia, trực tiếp giành được vị trí tuyển thẳng vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, rồi lại đại diện cho đội tuyển quốc gia tham gia kỳ thi Olympic Toán học quốc tế và có huy chương vàng.
Chuyện này đã gây chấn động trong thành phố nhỏ Liễu Nguyên. Khi ấy là lần đầu tiên Lý Quỳ Nhất cảm nhận được thế nào là “núi cao còn có núi cao hơn”. Không ghen tị, cũng không bất mãn mà cô chỉ thấy ngưỡng mộ.
Cô nghĩ, ít nhất cũng phải đạt được trình độ đó mới có thể gọi là “thiên phú” chứ.
Còn mình thì nhiều nhất cũng chỉ là hơi thông minh trong việc học thôi.
Thật ra Lý Quỳ Nhất không muốn thừa nhận điều này, vì cô là người hiếu thắng, đầy tham vọng; nhưng cô lại buộc phải thừa nhận điều này, vì cô biết rõ giới hạn của mình ở đâu.
“Có lẽ ông trời đã cho mình chút thiên phú, nhưng lại không nhiều lắm” Cô như nói đùa: “Nếu mình đi theo con đường thi đấu, có lẽ sự nỗ lực mà mình phải bỏ ra sẽ không ít hơn so với việc thi đại học, thậm chí còn nhiều hơn. Vì vậy, con đường này đối với mình không có tính kinh tế cao.”
Dường như đây là lần đầu Kỳ Ngọc nghe thấy quan điểm này, cậu ta hơi ngạc nhiên nhướng mày, rồi lại rơi vào im lặng… Nếu Lý Quỳ Nhất nói mình không đủ thiên phú, vậy thì cậu thì sao? Thiên phú về toán học của cậu nhiều nhất cũng chỉ ngang bằng với cô mà thôi.
Cậu có nên tự nhận thức rõ về mình hơn không?
Kỳ Ngọc rất hiếm khi nghi ngờ sự đúng đắn của con đường mình đang đi. Nhưng sự nghi ngờ này lại làm cậu cảm thấy hoảng loạn, vì cậu nghĩ mình không nên lung lay vào thời điểm này, cậu nên tin tưởng vào bản thân và tin tưởng vào bố mẹ mình, phải không?
Liên tiếp mấy ngày liền, Kỳ Ngọc không tìm đến Lý Quỳ Nhất để thảo luận đề nữa.
Thông báo chính thức về kỳ thi tháng nhanh chóng được đưa ra… Kỳ thi sẽ được tổ chức sau kỳ nghỉ Quốc Khánh, không có thời gian để chuẩn bị, vừa kết thúc kỳ nghỉ là thi.
Học sinh oán thán khắp nơi, chửi mắng trường không có tình người. Sau kỳ nghỉ mà thi ngay thì có nghĩa là kỳ nghỉ này chắc chắn sẽ phải nơm nớp lo sợ, học cũng không yên mà chơi cũng không xong, đúng là mất hết ý nghĩa của kỳ nghỉ.
Ngoài ra, Lưu Tâm Chiếu còn thông báo ba việc.
Thứ nhất, sau kỳ thi tháng, lớp sẽ được sắp xếp lại chỗ ngồi. Chỗ ngồi dựa trên kết quả thi, người có thứ hạng cao được ưu tiên chọn chỗ ngồi. Cách sắp xếp chỗ ngồi này là thống nhất cho toàn khối, không có lớp nào ngoại lệ.
Thứ hai, lớp 10A1 là lớp thực nghiệm duy nhất của khối lớp 10 nên đương nhiên được “ưu tiên”, do đó kỳ nghỉ Quốc Khánh chỉ có 4 ngày, 3 ngày còn lại phải đến trường học thêm.
Thứ ba, gần đến Quốc Khánh, trường sẽ tổ chức cuộc thi vẽ báo tường với chủ đề “Ngày Quốc Khánh của chúng ta”, cán bộ tuyên truyền phải tổ chức, sắp xếp các học sinh hoàn thành việc vẽ báo tường.
Đối với thông báo đầu tiên, mọi người không lấy làm lạ, chấp nhận một cách bình thản.
Đối với thông báo thứ hai, cả lớp lập tức bùng nổ, tiếng oán giận gần như lật đổ cả mái nhà. Lưu Tâm Chiếu cười nói: “Tốt quá, các lớp khác muốn học thêm còn không có cơ hội đấy!”
“Xì…” Mọi người chẳng ai tin lời cô.
Bị ảnh hưởng bởi kỳ thi tháng và việc học bù, ai ai cũng mất hứng thú với cuộc thi vẽ báo tường. Cán bộ tuyên truyền động viên mãi lúc lâu mới miễn cưỡng kéo được hai ba bạn. Sau đó hai ba bạn đó lại vác theo khuôn mặt ủ rũ mà cầm phấn vẽ nguệch ngoạc trên tấm bảng ở phía cuối lớp học.
Ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Quốc Khánh không cần phải học tự học buổi tối. Sau khi chuông báo tan học buổi chiều vang lên, mọi người như những chú ngựa hoang thoát khỏi cương, vội vã cầm lấy cặp sách lao ra khỏi lớp, cuối cùng chỉ còn lại vài bạn đang vẽ bảng báo tường và Lý Quỳ Nhất.
Lý Quỳ Nhất không biết vẽ, cô ở lại đơn thuần chỉ để đợi Phương Tri Hiểu. Cô và cô nàng đã hẹn nhau sau khi tan học sẽ đi dạo phố Phụ Nữ, nơi đó có rất nhiều cửa hàng phụ kiện nhỏ và một tiệm cho thuê sách có thể thuê truyện tranh và tiểu thuyết ngôn tình.
Lúc bé Phương Tri Hiểu đã học vẽ hai năm, giờ vẫn còn chút nền tảng nên đương nhiên cô nàng tham gia vào việc vẽ bảng báo tường của lớp 10A12. Lý Quỳ Nhất yên lặng ngồi ở chỗ của mình, vừa đọc cuốn “Sau Giờ Học” vừa đợi cô bạn.
Đột nhiên chiếc điện thoại mà hôm nay cô mang theo rung lên trong cặp.
Lý Quỳ Nhất nhìn xung quanh rồi cẩn thận lấy điện thoại ra.
Là tin nhắn của Phương Tri Hiểu: “Trân trọng mời cậu đến lớp chúng mình thưởng thức tác phẩm nghệ thuật!”
Dùng đầu ngón chân đoán cũng biết, cái gọi là tác phẩm nghệ thuật chắc chắn là bảng báo tường do Phương Tri Hiểu vẽ.
Lý Quỳ Nhất: … Tốt nhất là tác phẩm nghệ thuật đấy.
Phương Tri Hiểu: Chắc chắn là tác phẩm nghệ thuật!
Thôi thì cho cô bạn họ Phương tự luyến này ít mặt mũi. Lý Quỳ Nhất mỉm cười lắc đầu, cất điện thoại vào cặp rồi chào các bạn trong lớp, sau đó leo lên tầng ba.
Mặt trời lặn về Tây, phía chân trời phản chiếu màu hồng tuyệt đẹp, ánh chiều tà vẫn rực rỡ trải một góc trên hành lang của tòa nhà học. Những hạt bụi nhỏ lơ lửng, nhảy múa trong không trung.
Cô từ từ tiến lại gần.
Qua cửa sổ lớp 10A12, có thể thấy trong khoảng không gian nhỏ phía cuối lớp học là một bức tranh phong cảnh hùng vĩ. Núi non xanh thẳm, ánh hoàng hôn đỏ rực như lửa, một chiếc tàu lửa màu xanh lục uốn lượn chạy nhanh qua những dãy núi, vượt qua những trận địa pháo liên miên, cánh đồng lúa vàng óng, đống đổ nát hoang tàn, các tòa nhà cao tầng… Và điểm cuối cùng của nó là một biển hoa rực rỡ, lộng lẫy.
Bên phải bảng đen là một bóng dáng cao gầy, một tay cậu cầm bảng màu nước, tay kia cầm bút. Cậu đặt bút như rất nghiêm túc, song lại như rất tùy ý. Dưới ngòi bút ấy, những cánh hoa liên tục xuất hiện, ánh chiều tà quyến luyến trên mái tóc của cậu, ánh vàng cả một mảng, trông vô cùng mềm mại.