Đắm Mình Trong Mưa Xuân

Chương 42


Cuối cùng Nguyên Duy vẫn lịch sự tiễn hai người bạn ra về.

Tằng Khải thì không sao, Mạnh Hiến bỗng quan sát Nguyên Duy đã kết thúc giai đoạn cân nhắc, có chút lo lắng nói: “Nguyên Duy, cậu đang trong trạng thái kích động đấy, chắc chắn muốn quay về lúc này để nói chuyện sao?”

Tằng Khải hoàn toàn không nhìn ra Nguyên Duy bị kích động gì cả, bình thường lúc cãi nhau với vợ anh ta còn kích động hơn thế này nhiều. Trong mắt Tằng Khải, rõ ràng Nguyên Duy đang rất bình tĩnh, ngay cả lời nói cũng chậm rãi từ tốn.

Hình như Nguyên Duy cũng nhanh chóng tự ngẫm lại bản thân, không hề phản bác mà nói: “Vậy vừa hay, trạng thái này cũng cần được phản hồi lại một chút.”

Giọng điệu ôn hòa này tuy có vẻ là thương lượng nhưng thực chất chẳng có ý gì là thương lượng, khiến Tằng Khải như có ảo giác mình biến thành cấp dưới cấp bậc cực thấp đang ngồi nghe Nguyên Duy họp hành vậy.

Nhìn theo xe Nguyên Duy rời đi trước, Tằng Khải thắc mắc hỏi Mạnh Hiến bên cạnh: “Đây mà gọi là kích động hả?”

….

Nguyên Duy về đến nhà bố mẹ, tình huống hoàn toàn trái ngược với dự đoán của anh.

Bà Nguyên sau bao ngày bận rộn mới được nhàn rỗi nhưng vẫn không ở nhà nghỉ ngơi, đã ra ngoài gặp bạn bè. Tin tức này là do ông Nguyên – người hiếm hoi ở nhà lúc xế chiều – nói cho anh biết. Ông đeo một chiếc kính gọng bạc, vừa chậm rãi lật sách vừa thong thả nói: “Đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè nhiều một chút cũng có cái hay. Mẹ con rảnh rỗi ở nhà là lại suy nghĩ lung tung, ngược lại dễ buồn bực trong lòng.”

Nguyên Duy đi tới, kéo chiếc ghế đối diện ra.

Cuộc đời anh hiếm khi tránh né điều gì, gặp chuyện gì là giải quyết chuyện đó. Dù cho có những việc nằm ngoài dự tính thì anh cũng ít khi để cảm xúc lấn át, tự làm rối loạn.

Anh ngồi xuống, nói chuyện với bố về dự định kết hôn của mình.

Hai bố con nhà họ Nguyên rất ít khi chuyện trò, ông Nguyên thậm chí còn chưa từng gọi điện thoại hỏi thăm tình hình công việc của con trai, đa số chỉ hỏi thăm qua bác cả của Nguyên Duy.

Có rất nhiều lời rõ ràng có thể nói chuyện trực tiếp với con trai, nhưng ông lại cố tình thông qua người khác để truyền đạt, hiệu quả cũng hoàn toàn khác biệt. Ý nghĩa cũng rất rõ ràng, đó chính là con trai tôi tốt hay xấu đều là chuyện nhà tôi. Dù người khác có thân thiết đến đâu cũng đừng vượt quá bổn phận mà nhúng tay vào.

Trước đây, Phó Nhuận Nghi có nói từng nhìn thấy trên bản tin thông tin bác cả đối xử với Nguyên Duy không được tốt lắm. Lúc đó Nguyên Duy chỉ coi như chuyện cười, cũng không giải thích gì nhiều. Quan hệ giữa anh và bác cả đúng là có chút tế nhị, nhưng cũng chưa đến mức tệ như vậy.

Tuy Nguyên Duy từng trêu chọc mẹ, nói rằng sự quan tâm của ông Nguyên dành cho con trai và vợ là không giống nhau. Nhưng trên việc bảo vệ vợ con thì ông Nguyên chưa từng xem nhẹ.

Bậc quân tử theo kiểu “ngoài nho trong pháp” thường có những kiến giải mới lạ trong việc phân biệt “nên” hay “không nên” làm.

Tính cách của Nguyên Duy phần lớn được thừa hưởng từ bố. Hai bố con đều không thích dạy đời nói đạo lý, cũng không giỏi khích lệ người khác. Bọn họ luôn đặt kết quả lên trên cảm xúc trong cả quá trình, thuộc kiểu người tương đối thiếu kiên nhẫn.

Điều này cũng có liên quan mật thiết đến môi trường sống của hai người. Bởi hầu như không ai sẽ nói với họ rằng “anh/ con có thể kiên nhẫn hoặc ôn hòa hơn một chút được không”.

Chỉ có bà Nguyên là dám nói với ông Nguyên như vậy thôi.

Nguyên Duy cũng chỉ mới gặp một người nói anh có chút nghiêm túc, thi thoảng cũng nên nói là “làm rất tốt”.

Cuộc trò chuyện kéo dài đến tận khi trời dần tối, trà cũng đã được thay sang ấm mới.

Khi Nguyên Duy mới đề cập đến, quả thật ông Nguyên không biết Phó Nhuận Nghi là ai.

Nhìn biểu cảm chưa từng nghe đến cái tên này của bố, Nguyên Duy vừa giải thích đó là học sinh đầu tiên mẹ dạy lúc anh học cấp ba, vừa âm thầm nghĩ trong lòng, vẻ mặt không thể nhớ nổi đối phương là ai này của bố quả thực trông không được tình cảm cho lắm.

Bọn họ cũng không dành nhiều thời gian để thảo luận về chủ đề “Phó Nhuận Nghi là người như thế nào?”, “Phó Nhuận Nghi đã làm những gì?”, “Tại sao lại là Phó Nhuận Nghi”?.

Có thể là vì tin tưởng Nguyên Duy và cũng tin vào cách thức giáo dục mà bản thân đã áp dụng trong suốt hai mươi năm qua, ông Nguyên cho rằng với những vấn đề cơ bản này, Nguyên Duy tự có phán đoán riêng của mình, ông không cần phải vẽ vời thêm.

Ông chỉ bàn đến những vấn đề chung chung, lấy kinh điển ra nói bóng gió xa gần để cho chính Nguyên Duy tự mình suy nghĩ và cân nhắc.

Mãi cho đến khi bà Nguyên trở về, đứng ở cửa phòng trà mở rộng nhìn vào trong. Phòng trà rất lớn, bà giơ tay gõ nhẹ vào vách ngăn. Tiếng động nhỏ nhẹ ấy đã thu hút sự chú ý của hai bố con.

Bà Nguyên lên tiếng: “Buổi tọa đàm của hai bố con bao giờ mới kết thúc đây? Dì giúp việc bảo hai người đã trò chuyện gần ba tiếng đồng hồ rồi. Hai bố con nói gì mà nói lắm thế? Còn không chịu kết thúc nữa là tôi gia nhập đấy nhé?”

Ông Nguyên cười khẽ, ngoảnh đầu lại vẫy tay với vợ.

“Vừa hay, em đến đây nghe thử xem. Nguyên Duy đơn phương quyết định có thể sẽ kết hôn đấy.”

“Đơn phương?” Bà Nguyên đi vào, khó hiểu hỏi, “Đơn phương là sao? Cho dù hiện tại hôn lễ chỉ có thể tổ chức đơn giản thì Sanh Nguyệt cũng sẽ đồng ý mà. Cô bé ấy nhìn thì có vẻ mạnh mẽ, thích sĩ diện một tí, nhưng thực ra vẫn còn tâm hồn con nít.”

“Không phải cô con gái nhà họ Nghê đâu, mà là cô học trò học đàn violin trước kia của em —— Phó Nhuận Nghi.” Ông Nguyên nhấp ngụm trà, nhìn búp trà non trong cốc đang từ từ bung ra, dáng vẻ như muốn ngồi xem kịch hay, thong thả nói, “Cái tên này nghe hay đấy chứ.”

Bà Nguyên rất đỗi kinh ngạc, đồng tử đứng im rồi lại chuyển động, vô số nghi vấn như bom nổ lao đến, khiến cho nét mặt bà cứng đờ vài giây.

Vậy là mấy câu hỏi như “Phó Nhuận Nghi là người thế nào,” “Phó Nhuận Nghi đã làm những gì” hay là “Tại sao lại là Phó Nhuận Nghi” đã có người thốt lên.

Trời hoàn toàn tối đen.

Đây cũng là lần đầu tiên Nguyên Duy cảm nhận được trong cơ thể đang kêu réo cần được nghỉ ngơi. Anh vô cùng buồn ngủ, hơn nữa trong một khoảng thời gian ngắn còn không muốn có bất kỳ trao đổi ngôn ngữ gì với loài người nữa.

Dòng suy nghĩ vốn có trật tự trong đầu sau khi trải qua ba tiếng đồng hồ được rim nhỏ lửa rồi lại bị ném vào một chiếc nồi khác xào lên với lửa lớn đã chẳng còn nguyên vẹn, lẫn lộn đủ loại mùi vị.

May mà kết quả cuối cùng không tệ, không có tiếng nói nghi ngờ hay phản đối nào.

Bà Nguyên không còn nghi vấn gì nữa, vô cùng hài lòng, bảo dì giúp việc chuẩn bị bữa tối.

Nguyên Duy ngồi ở bàn ăn, nghĩ đến chuyện lúc này Phó Nhuận Nghi chắc đã hạ cánh xuống Tân Loan, trở về căn hộ nhỏ của cô rồi.

Dường như cả hai đều không phụ thuộc vào Internet cho lắm, cũng không thăm hỏi đối phương qua lại từng câu một, tin nhắn rất ít ỏi, lật lên trên thì thấy chỉ có hai tin nhắn. Phó Nhuận Nghi hỏi anh có phải đã đi ra ngoài mua bữa sáng hay không, anh trả lời là sắp về rồi.

Nguyên Duy suy nghĩ rất lâu, rồi thêm vào đó một tin nhắn mới: [Em ăn cơm chưa? Mai có đi ra ngoài không? ]

Hình như chưa bao giờ gửi lời mở đầu vô nghĩa như vậy, thấy kỳ cục quá nên anh đặt điện thoại sang một bên, ra vẻ như muốn phủi sạch sẽ mối liên hệ với nó, giả vờ như đó không phải do mình gửi đi.

Tin nhắn gửi đi đã lâu mà vẫn chưa thấy hồi âm.

Nhưng cũng bình thường thôi, Phó Nhuận Nghi đều bật chế độ “không làm phiền” cho tất cả mọi người trong danh bạ.

Nguyên Duy đã từng hỏi lý do, Phó Nhuận Nghi nói rằng cô không thích việc tin nhắn chưa đọc lại hiện lên một con số màu đỏ chót, như thể đang không ngừng nhắc nhở cô phải bấm vào xử lý, điều này khiến cô hơi lo âu, có chút khó chịu.

Còn những chuyện thật sự quan trọng, Phó Nhuận Nghi cũng không thích giải quyết qua điện thoại. Có lẽ cô thật sự có chút lạc lõng với xã hội hiện tại, đôi khi cô không hiểu được một số quy tắc ngầm trong giao tiếp. Khi giao tiếp với người khác, nếu không nhìn thấy biểu cảm hay nghe thấy giọng nói của đối phương là cô sẽ không phân biệt được đâu là lời đường mật, đâu là đang ‘lúc xa lúc gần’ với cô.

Có lần, một vị khách hàng gửi tin nhắn cho cô với giọng điệu vô cùng gấp gáp, nói rằng sáng hôm sau phải bổ sung một cảnh quay. Thế là sáng hôm sau Phó Nhuận Nghi đến trường quay từ rất sớm. Đợi đến tận trưa khi đã ăn cơm xong thì các nhân viên khác mới chậm chạp tới nơi, mà chẳng có bất kỳ ai có ý định phải xin lỗi hay giải thích với cô.

Nguyên Duy hỏi cô: “Người ta bảo em mấy giờ tới là em tới đúng giờ đó?” “Tôi sẽ tới sớm hơn một chút, không phải nên đúng giờ sao?”

Tuy bản thân không làm công việc tương tự, nhưng Nguyên Duy hiểu rõ loại công việc vừa cần phối hợp thời gian của nhiều bên vừa thiếu sự nghiêm túc như vậy. Người nào cũng muốn làm ‘thầy’, địa vị mập mờ không rõ, tùy tiện không kỷ luật thì lại xem là nghệ thuật, bất thường lập dị thì được coi là cá tính. Quan niệm về thời gian của rất nhiều người rất mờ nhạt, mà đa số mọi người đều thích nghi với cái kiểu giờ giấc tùy tiện đó, ứng phó một cách linh hoạt.

Kiểu người thật thà, nói cái gì cũng ghi vào lịch trình như Phó Nhuận Nghi trái lại trông rất khác người.

Ánh mắt Nguyên Duy hơi trầm xuống, lời đến bên môi rồi cuối cùng vẫn không nói ra. Anh mỉm cười trả lời cô: “Phải. Nhưng mà sau này gặp phải chuyện như vậy, tốt nhất em nên nhờ người bạn làm quản lý kia giúp em xác nhận lại.”

“Như Như cũng nói vậy, nên sau này tôi sẽ không tự liên lạc công việc nữa.”

Trong thế giới của Phó Nhuận Nghi chẳng có chuyện gì là gấp gáp cả, bà dì hay mấy người khác có chuyện muốn tìm cô thì cũng không bao giờ liên lạc qua WeChat.

Thế nên cô không hay để ý đến điện thoại, xử lý thông tin một cách ngẫu nhiên. Tài khoản WeChat này có thuộc tính dịch vụ khách hàng rất mạnh, nhưng

không đảm bảo phản hồi kịp thời, Phó Nhuận Nghi nói rằng nếu cô nhìn thấy thì nhất định sẽ trả lời.

Nhưng rất nhiều lúc cô lựa chọn không nhìn thấy.

Lúc bọn họ đang trò chuyện về chủ đề này, điện thoại của Phó Nhuận Nghi tình cờ đang mở WeChat. Nguyên Duy liếc mắt nhìn, có một người đàn ông thời thượng để ảnh đại diện đen trắng đã gửi tin nhắn mới cho Phó Nhuận Nghi, vẫn là trạng thái chưa đọc.

Nhưng Phó Nhuận Nghi ghi chú đối phương lại chẳng hề thời thượng chút nào, họ tên + Ninh Ninh giới thiệu + “Đã gửi hàng”.

Mà tin nhắn đối phương gửi đến là —— [Hello, dạo này em rảnh không?]

Nguyên Duy nhắc nhở cô: “Có tin nhắn mới kìa.”

Phó Nhuận Nghi liếc mắt nhìn, thẳng thừng trượt sang rồi nhấn xóa. Nguyên Duy hỏi: “Đây là ai vậy?”

Phó Nhuận Nghi nói chắc là bạn của bạn bè, trước đây từng mua đào ở chỗ cô, bởi vì tất cả khách hàng đặt hàng đều được ghi chú giống nhau.

Lời giải thích của cô đối với Nguyên Duy cũng như không, thông thường khách hàng mua đào sẽ hỏi trực tiếp, hơn nữa phần lớn đều tập trung vào hai ngày cô đăng quảng cáo trên vòng bạn bè. Người vừa rồi có cảm giác không giống như muốn đến mua đào, cô không muốn trả lời lắm.

Nguyên Duy khẽ gật đầu, giọng nói chậm rãi kéo dài: “Tôi cảm thấy, em cảm nhận rất đúng.”

Người hiện đại phần lớn đều rất coi trọng sự riêng tư, phạm vi hiển thị vòng bạn bè sẽ được thiết lập khoảng thời gian, cấm người khác tùy ý xem xét.

Vòng bạn bè của Phó Nhuận Nghi không thiết lập bất kỳ phạm vi hiển thị nào, có thể tùy ý xem, rất đơn giản, có quy luật, mỗi năm đều sẽ đăng vài bài, có cả hình ảnh và văn bản, lướt một mạch đến cuối, năm ngoái là bán đào, năm kia vẫn là bán đào.

Rất phù hợp với tên WeChat “Đào Mật của Tiểu Phó ở Tân Loan”. Nguyên Duy bấm vào vòng bạn bè của Phó Nhuận Nghi.

Ban đầu chỉ là đột nhiên muốn xem Phó Nhuận Nghi năm nay có đăng quảng cáo bán đào không, ai ngờ trên màn hình đột ngột xuất hiện một bài đăng mới trên vòng bạn bè, cách đây mười lăm phút, cũng có cả hình ảnh và văn bản, nhưng lại không liên quan gì đến bán đào.

Tổng cộng chín bức ảnh, trong đó có ba bức là ảnh khung cảnh và món ăn, những bức còn lại đều là Phó Nhuận Nghi, trong đó có một bức ảnh dính bàn

tay của bạn cô, vì giúp cô vuốt tóc nên lọt vào ống kính. Người nọ đeo đồng hồ đính kim cương, móng tay màu bạc sáng, hiển nhiên là nữ.

Nguyên Duy trượt ngón tay, lật xem từng tấm ảnh một.

Lướt qua từng món ăn và khung cảnh xung quanh, xem kỹ ảnh chân dung.

Phó Nhuận Nghi từng kể rằng thời đại học cô tình cờ tiếp xúc với nghề này, bởi vì người chủ ký hợp đồng với cô luôn rất quan tâm cô, cho nên cô mới làm liên tục mấy năm các công việc chụp ảnh liên quan.

Nhưng thật ra cô không thích cảm giác bị tập trung chú ý, song khuôn mặt có khí chất dịu dàng mà đặc biệt này dường như sinh ra là để bắt trọn ống kính.

Nguyên Duy không rành về nhiếp ảnh, nhưng cũng có thể cảm nhận rất rõ ràng sự khác biệt giữa ảnh của Phó Nhuận Nghi và ảnh của những người mẫu khác. Người mẫu dường như đều cần có năng lực biểu đạt rất mạnh mẽ, giỏi sử dụng biểu cảm ngũ quan và động tác cơ thể, còn Phó Nhuận Nghi chỉ cần nhìn vào ống kính, cho dù không cần biểu cảm gì thì cũng tự mang theo cảm xúc.

Giống như bông hoa nở về đêm, dù động tác có phần yếu ớt nhưng cũng không cần lời văn trau chuốt cũng có thể tự dệt nên một câu chuyện của riêng mình.

Rất thu hút người ta tìm hiểu.

Về điểm này Nguyên Duy có thể tự mình chứng minh.

Bức ảnh chắc là chụp ngẫu hứng, bạn của Phó Nhuận Nghi chụp cô rất đẹp, có vui có hờn, nhưng Phó Nhuận Nghi không phải là người thích thể hiện ra ngoài, thế nên bài đăng vòng bạn bè này vẫn có phần kỳ lạ.

Đặc biệt là khi kết hợp với dòng trạng thái này. [Không biết tình yêu sẽ đến lúc nào.]

Điều đặc biệt hơn là khi so sánh với những dòng trạng thái trước đây ——

[Đào mật Tân Loan giá ưu đãi, lô đào cuối cùng trong năm nay, ảnh chụp quả thật, mua một thùng sẽ miễn phí ship, tùy vào trình trạng hàng có sắn.]

[Đào mật Tân Loan đã được bày bán, hoan nghênh quý khách đặt hàng, vỏ mỏng thịt dày, hương vị thơm ngon, được chăm bón tự nhiên, an toàn thực phẩm, hái tại vườn và gửi đi ngay trong ngày.]

[Giống đào mật Tân Loan chín sớm đã được bày bán, ngọt giòn mọng nước. Đặt hàng tối thiểu một thùng, lúc gửi đào sẽ giòn, nếu khách hàng thích ăn đào mềm thì nhận hàng cứ để yên hai ngày là ăn được, không ảnh hưởng đến hương vị.

Trong tỉnh có thể nhận hàng vào ngày hôm sau, quả hỏng được đền bù.]



Câu nói “Không biết tình yêu sẽ đến lúc nào” xen lẫn vào đó tạo cảm giác lạc lõng chẳng khác nào nhét một câu ngôn ngữ sao Hỏa vào sử thi Odyssey.

Điều này quả thực không giống như lời Phó Nhuận Nghi sẽ nói.

Nhưng chẳng mấy chốc Nguyên Duy đã phát hiện ra điều kỳ lạ từ trong những chi tiết nhỏ nhặt này.

Khung cảnh bên trong nhà hàng khá đẹp này trông rất quen mắt, Nguyên Duy nhớ ra, trước đây anh đã từng đưa Phó Nhuận Nghi đến đây ăn cơm. Cô rất thích những món ăn đặc sắc của nhà hàng này.

Vậy nên cô đăng những lời khó hiểu này… Là đang ám chỉ anh sao?