“All that glitters is not gold.”- The Merchant of Venice (Act 3, Scene 4)
- --------
Thợ gõ: Dờ
Quê Văn Địch ở huyện Tùng Đài. Xét về mặt địa lý, Tùng Đài giáp Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải ở phía Đông, núi Cửu Hoa ở phía Tây, cách vành đai kinh tế giàu có nhất cả nước một con sông, thế nhưng nó mới chỉ được gỡ cái mác huyện nghèo cách đây năm năm.
Năm nào về quê, Văn Địch cũng bắt một chuyến tàu điện từ Bắc Kinh đến tỉnh lỵ, tiếp theo chuyển sang tàu điện ngầm đi đến ga hành khách để bắt xe đến huyện Tùng Đài, sau đó đổi hai trạm xe buýt từ trên huyện về đến cổng thôn, cuối cùng là xách rương hành lý đi bộ về nhà.
Tuy đường sá xa xôi nhưng mỗi khi về tới cánh cổng màu nâu đỏ đã bạc màu, nghe thấy tiếng reo vui của ông bà nội, mọi mệt nhọc đều tan biến hết.
“Ôi trời!” Bà lão với mái tóc bạc phơ đi ra đón. “Em bé về rồi!”
Văn Địch thấy hơi ê răng. Đã 26 tuổi rồi mà bà nội vẫn gọi cậu y như lúc còn nhỏ. Nếu chỉ có người nhà với nhau thì không sao, nhưng mỗi lần khách tới chơi, người nhà vẫn gọi một thanh niên trưởng thành như cậu là “em bé” thì hơi xấu hổ.
Văn Địch xách hành lý, chưa vào cổng mà bà nội đã đi ra ôm chầm lấy cậu, xoa đầu khiến cho tóc của cậu rối tung.
“Ôi chao, sao lại gầy đi thế này,“ Bà nội nhìn hết bên này tới bên kia, “Có phải học hành vất vả quá không.”
“Không vất vả đâu,“ Văn Địch phản bác, “Rõ ràng cháu có béo lên đấy, lần nào bà cũng trừ mất nửa cân của cháu.”
“Hay là đồ ăn ở Bắc Kinh đắt đỏ quá nên không dám mua?” Bà nội hoàn toàn ngó lơ sự phủ nhận của cậu, “Đừng có tiếc tiền, cũng đừng gửi tiền về nhà...”
“Nhà ăn ở trường có hai mươi món, ăn no căng luôn bà ơi, cháu không gầy!”
Trò chuyện ở cổng một lát, bà nội kéo cậu vào trong nhà. Nhà ở quê là dạng nhà một tầng mái bằng có hình dài, dùng tấm gỗ để chia thành ba gian phòng. Gian bên trái ở phía trước là nhà của chú, bên phải là nhà cậu, ở giữa là nơi ăn cơm chung. Phía sau, gian bên trái là nhà tắm, ở giữa là nhà bếp, cuối cùng là phòng ngủ của ông bà nội.
Cậu kéo rương hành lý về gian nhà mình. Mười mét vuông kê hai cái giường, một cái bàn, một tủ quần áo. Rương hành lý của cậu chỉ có thể nhét xuống gầm giường.
Cậu còn chưa kịp kéo khóa ba lô thì bà nội đã bưng một bát canh gà đi vào, xương đùi gà dựng đứng trong bát, bên dưới là hai quả trứng luộc. Đầu Văn Địch bắt đầu toát mồ hôi, cậu dị ứng với canh gà năm mới.
“Ông già vừa mới mổ lúc sáng đấy,“ Bà nội đặt bát lên bàn, “Đám này được nuôi bằng rau, ngon hơn thịt gà trong thành phố nhiều.”
Văn Địch bưng bát gặm đùi gà. Bà nội ngồi ở mép giường nhìn cậu với ánh mắt sáng rực.
“Năm nay rau có bán được không bà?” Văn Địch hỏi.
“Chả hiểu sao mà rẻ thối ra!” Bà nội vỗ đùi, “Bà với ông nội cháu kéo một xe lên trên huyện mà mới bán 30 đồng! Rau ở Bắc Kinh đắt lắm nhỉ?”
Vào ngày nghỉ không cần đến trường, thỉnh thoảng Văn Địch sẽ ra chợ ở gần đó để mua rau. Cậu nhớ lại rồi đáp: “Mùa đông rau cải 5 tệ nửa cân.”
Mắt bà lão trợn to như chuông đồng: “Đắt quá nhỉ!” Sau đó bà bắt đầu lảm nhảm: “Ớt trồng trong lán không bán được, ở ngoài đồng thì bị thối bao nhiêu cũng không biết. Bà có làm hai lọ tương ớt, lúc đi thì nhớ cầm theo...”
Văn Địch vừa cắn thịt gà vừa gật đầu. Cậu không có nhiều đề tài để nói chuyện với ông bà. Lần nào về quê, ngoài giá cả rau dưa thì chỉ còn chuyện cơm nước ba bữa.
Sau khi than vãn về giá cả đắt đỏ ở thành phố, bà nội ra nhà ăn để xem đồng hồ, phàn nàn tại sao bố mẹ Văn Địch vẫn chưa về, đã nói hôm nay dọn hàng sớm rồi mà.
Ngày trước, bố mẹ Văn Địch đẩy xe lên huyện để bán đồ ăn sáng. Sau khi tiết kiệm tiền hơn mười năm, vào lúc Văn Địch học cấp ba, cuối cùng họ đã mua được mặt tiền kinh doanh rộng hơn 20 mét vuông ở trên huyện, căn nhà có hai tầng được ngăn cách bằng vách ngăn, tầng dưới bán đồ ăn sáng, tầng trên làm phòng ngủ, ngoại trừ những ngày nghỉ lễ thì họ thường ngủ tại quán.
“Dạo này làm ăn khá không ạ?” Văn Địch hỏi.
Bà nội lắc đầu xua tay, “Không ổn, bánh nướng không bán được...”
Sau đó bà lão lại bắt đầu lải nhải, bảo là nhà dì được đền bù giải phóng mặt bằng, nhận được những mấy căn nhà cộng thêm mấy trăm nghìn tệ! Nhưng thôn của bọn họ thì lại không có động tĩnh gì, để tăng diện tích mặt bằng đền bù, làng trên xóm dưới đều quây hết cả sân lại, thế mà vẫn chưa nghe được tin tức gì.
Văn Địch không biết phải đáp thế nào. Vị trí thôn nhà cậu quá xấu, cơ bản là sẽ không được giải phóng mặt bằng.
Trong nhà đang nói chuyện rôm rả, đột nhiên có tiếng người gõ thùng thùng vào cánh cổng. Mở ra xem, bà Trương ở nhà bên cạnh đang xách một giỏ trứng gà, bên trên là củ cải đỏ, nói là vừa mới nhổ lên xong. Bà nội ôm hai lọ tương ớt ra đưa cho bà Trương - là cái lọ đựng mứt quả có in chữ Phúc mà ở nhà hay dùng. Ánh mắt của bà lão nhìn sang Văn Địch, vỗ tay lên vai cậu: “Ôi trời, đây là cháu đích tôn nhà bà phải không, cái thằng bé đỗ đại học trên Bắc Kinh ấy hả?”
Bà nội thẳng lưng lên, lập tức cao hơn mấy cm so với bình thường: “Đúng rồi! Đang học tiến sĩ đấy!”
“Giỏi nhỉ,“ Bà lão nói: “Sau này chắc là kiếm được nhiều tiền lắm. Bà có phúc quá!”
Bà nội cười tươi như hoa.
“Thằng cu nhà tôi học kém lắm, đợi nó về tôi phải bảo nó sang đây nói chuyện lấy kinh nghiệm,“ Bà lão than thở: “Phong thủy nhà bà tốt, cái thôn này đã từng có ai đỗ đại học hoành tráng như vậy đâu. Sau này được làm quan lớn thì phải mời chúng tôi đến ăn mừng để tán lộc đấy nhé...”
Văn Địch nghe mà run rẩy từng cơn. Kiếm tiền gì chứ, làm quan lớn gì chứ. Một tháng cậu được phát 5400, sau này đi dạy ở trường học thì lương vẫn thấp, lại còn áp lực lớn. Bà ơi, cái lộc này không nên tán đâu!
Sau khi bà Trương đánh giá cậu bằng ánh mắt khen ngợi xong thì ra về, bác Lý tiếp tục đến chơi. Nhà bác Lý có một cái ao cá, lúc này bác đang tới gần cùng với một cái rọ bắt cá.
Tương ớt lại vơi đi hai lọ.
“Ấy chà, sinh viên xuất sắc đại học T đây rồi,“ Bác Lý có đi học mấy năm nên vốn từ vựng phong phú hơn, “Sau này trở thành trạng nguyên ngành, lương một năm phải hàng triệu!”
Đang mùa Đông mà Văn Địch bắt đầu vuốt mồ hôi.
Sau khi hàn huyên và tâng bốc một lúc lâu, Văn Địch đã được dán đầy nhãn sinh viên xuất sắc, lương bổng cao trên người. Ở Ngũ Đạo Khẩu, cầm một cục đá ném ra ngoài có thể ném chết ba sinh viên top 2, thế nhưng Tùng Đài thì vẫn chưa đón nhận làn sóng bão hòa bằng cấp, những người cao tuổi ở đây vẫn coi cậu như bảo bối.
Văn Địch cảm thấy hối hận. Biết thế lúc đỗ đại học T cậu đã không cho nhà cậu đốt pháo dây ở đầu thôn. Bây giờ cậu đi đến đâu cũng không muốn nói mình học đại học T, chỉ sợ người ta lại khen ngợi, kỳ vọng, phỏng đoán - Cái phỏng đoán là đáng sợ nhất.
Cơm tối có rất nhiều món chay mặn, bà nội vào bếp nhóm lửa, rán cá thơm phức. Văn Địch ngồi ở trong sân, rải rau vào trong chuồng để cho đàn gà ăn. Cậu nhìn những cái cổ gà hết co lại rụt, chúng bước đi thong thả như thể đang trêu ngươi cậu.
Điện thoại trong túi rung lên. Văn Địch lấy ra xem, nhìn thấy tin nhắn ở trên cùng. Sau khi lưỡng lự rất lâu, cuối cùng vẫn bấm vào xem.
Biên Thành gửi một tấm ảnh cho cậu, bấm vào xem - là bộ câu đối xuân kia.
Hàng xóm chết tiệt: [Dán lên rồi.]
Văn Địch ngồi xổm lâu nên chân hơi tê. Lúc đứng dậy, cậu hơi lảo đảo, sau khi đi một vòng quanh chuồng gà với con gà trống thì mới trả lời tin nhắn đầy lạnh lùng: [Ờ.]
Chữ “đang nhập” hiện lên rất lâu, dù không nhìn thấy người thật nhưng Văn Địch vẫn có thể tưởng tượng ra dáng vẻ rối rắm của Biên Thành. Mấy giây sau, hàng xóm chết tiệt chậm rãi gõ ra một dòng chữ: [Tôi cũng mua quà năm mới cho em.]
Văn Địch tiếp tục tỏ ra lạnh nhạt: [Ờ.]
Hàng xóm chết tiệt: [Em cho địa chỉ đi, tôi gửi qua bên đó.]
Hóa ra chỉ chờ có thế: [Đợi tôi ăn tết xong rồi gửi.]
Hàng xóm chết tiệt: [Vậy thì không phải là quà năm mới nữa rồi.]
Còn sửa định nghĩa nữa chứ, cái đồ ám ảnh cưỡng chế!
Hàng xóm chết tiệt: [Chắc chắn em sẽ rất thích.]
Văn Địch cắn móng tay, tên này EQ bằng 0, sao có thể biết được cậu thích gì chứ? [Là cái gì?]
Hàng xóm chết tiệt: [Em nhìn thấy là biết, gửi địa chỉ cho tôi đi.]
Tính tò mò là trời sinh, là bản năng. Văn Địch đấu tranh một lát rồi gửi địa chỉ quán bán hàng của bố mẹ. Trong thôn không có điểm nhận đồ giao hàng, nhưng đối diện quán của bố mẹ cậu thì có một cái, bình thường Văn Địch gửi đồ về nhà toàn gửi đến chỗ đó.
Gửi địa chỉ xong, Văn Địch lại lướt lên thưởng thức tấm ảnh chụp câu đối, lòng thầm nhủ thế mà tên này cũng dám dán lên. Nhìn kỹ một chút, cậu bỗng phát hiện ra cái hoành phi hơi kỳ quái.
Văn Địch gửi một tin nhắn chứa đầy sự nghi ngờ: [Sao trên hoành phi lại có hoa cỏ gì thế kia?]
Hàng xóm chết tiệt: [À, Giang Vũ thấy chữ xấu quá nên vẽ thêm viền hoa.]
Văn Địch im lặng, thoát khỏi Wechat, hối hận vì mình đã hỏi câu vừa rồi. Cậu không nên chủ động tiếp chuyện, càng không nên gửi địa chỉ! Tên này thì có thứ đồ tốt gì mà gửi? Không chọc cậu tức chết là may lắm rồi.
Cậu nhìn điện thoại trong tiếng cục tác của gà mái, nghiến răng nghiến lợi, đột nhiên thấy một tin nhắn bật ra trong ứng dụng QQ bỏ xó từ lâu. Là nhóm lớp hồi cấp hai.
[Năm mới mọi người đểu về quê cả chứ? Kỷ niệm tốt nghiệp mười năm không tụ tập gì à?]
[Có chứ có chứ, thằng nào đến được thì kêu áu một tiếng.]
Trong nhóm bắt đầu vang lên một rừng tiếng “áu“. Văn Địch học trường Trung học cơ sở Số 1 trên huyện, đó là trường tốt nhất trong khu vực này nhưng tỷ lệ học lên cao và tỷ lệ trúng tuyển đều rất thấp. Sau khi tốt nghiệp, phần lớn bạn học của cậu đều ở lại quê nên tụ tập rất dễ dàng.
Có lẽ là phát hiện ra cậu đang online, mấy anh em thân thiết hồi cấp hai bắt đầu tag cậu: [Văn thần có đi không?]
Văn Địch cười khổ sở với cái biệt danh cũ rích này: [Có có có.]
Nhóm chat lập tức trở nên nhộn nhịp:
[Ôi chao, đại ca tới rồi, các vị nhường đường một chút.]
[Mở cửa cho đại ca.]
[Lau nhà cho đại ca.]
[Châm thuốc cho đại ca.]
Văn Địch xấu hổ nhìn cái xưng hô đại ca ấy: [Ăn ở đâu?]
Có người đề nghị: [Đường Nhân Dân có một quán lẩu mới mở ở bên cạnh RT-Mart, tôi ăn thử rồi, cũng khá ngon.]
Mọi người đều nhao nhao tán thành, vậy là địa điểm đã được quyết định, về thời gian thì tranh cãi lâu hơn một chút, cuối cùng quyết định là 29 tháng Chạp.
Sau khi lên cấp ba là Văn Địch rời khỏi Tùng Đài, chỉ về nhà dịp năm mới, cũng vì thế mà nhiều năm qua không gặp lại những thằng bạn hồi nhỏ.
Mười năm rồi, bạn bè năm ấy đã trở nên như thế nào, cậu cũng rất tò mò. Trong tò mò lại mang chút lo âu - nếu bọn họ đều sống tốt hơn cậu thì sao?
Cậu càng nghĩ càng thấy khả năng này rất cao. Lúc trước cậu có xem vòng bạn bè trên Wechat, một bạn học tốt nghiệp đại học hạng hai chuyên ngành thông tin điện tử, bây giờ đang làm kỹ sư trên tỉnh, lương mỗi năm 300.000 tệ. Nhìn thế nào cũng thấy có tương lai hơn cậu.
Cậu đột nhiên thấy hối hận, mình nên giả vờ như không nhìn thấy tin nhắn mới phải, hoặc là bịa một cái cớ để khỏi phải đi.
Nhưng mà cậu đồng ý mất rồi.
Nếu như bọn họ phát hiện ra học sinh xuất sắc mang bao kỳ vọng, được mọi người ngưỡng mộ năm ấy giờ đây đang sống chật vật thì sẽ nghĩ như thế nào?
Nếu như cậu tô điểm một chút cho cuộc sống tiến sĩ này, liệu có cảm thấy dễ chịu hơn phần nào không?
Cậu vừa phân vân xem bùng kèo hay bịa chuyện thì dễ dàng hơn, vừa cảm thấy xấu hổ vì một chút lòng hư vinh còn sót lại của mình.
Trong tất cả những người bạn, có lẽ Vu Tĩnh Di là người hiểu tâm trạng lúc này của Văn Địch nhất - tốt nghiệp đại học T, đi học ở Cambridge với hào quang thiên tài ngôn ngữ học, sau khi bỏ học giữa chừng thì không quay lại nữa, bắt đầu đi dạy học ở một cơ sở du học có đám học sinh suốt ngày bắt bẻ ngoại hình giáo viên. Văn Địch biết cô nàng cũng về quê mừng năm mới, thế là bấm vào Wechat nói một câu: [Càng già tao càng thấy tâm lý mình u ám.]
Bên kia trả lời rất nhanh: [Sao lại nói thế?]
Văn Địch: [Hồi trước đọc tiểu thuyết, tao hay đứng từ góc nhìn nhân vật chính. Mày xem, bọn họ đều giống như mình, gia cảnh không khá giả nhưng cố gắng vươn lên, thành tích học tập rất tốt, đỗ vào đại học hàng đầu - hầy, lại còn cùng là đại học T. Sau đó, người thì làm quản lý cấp cao, người thì khởi nghiệp, đi lên đỉnh cao của đời người. Ngày xưa tao rất thích đọc thể loại nam chính nhà nghèo đi lên đỉnh xã hội như vậy, nhưng bây giờ thì khác rồi. Bây giờ tao chỉ mong bọn họ thất bại.]
Bên kia im lặng một lúc rồi đáp: [Tao hiểu.]
Văn Địch mỉm cười: [Không biết là may mắn hay bất hạnh, ở dưới quê vẫn còn nhiều người tin là thật, cảm thấy đỗ đại học là sẽ có tương lai rộng mở, họ đều tưởng tao đang sống rất tốt trên thành phố.]
Mấy giây sau, trên màn hình bật ra một câu: [Vốn dĩ thành phố lớn không phải là nơi để hiện thực hóa giấc mơ.]
[Thành phố lớn - là nơi không để cho người khác phát hiện ra mình không thể hiện thực hóa giấc mơ.]