Kiều Nam

Chương 7


Còn 2 ngày nữa là đến trung thu rồi.

Nhà trường gửi tặng bánh trung thu cho mỗi giáo viên.

Cẩm Tiêu cầm hộp bánh trung thu trên tay trở về nhà.

"Cái gì trong tay anh đấy?"

Trước cửa nhà, có một cậu bé trai mập mạp chống nạnh hất cằm chỉ chiếc hộp trong tay Cẩm Tiêu.

Cẩm Tiêu nhíu mày, "Không có gì cả." Mặt không đổi sắc nói dối.

Cẩm Manh - con út nhà họ Cẩm, hừ một tiếng thật to, xông lên giật lấy hộp bánh trong tay Cẩm Tiêu, nhanh nhẹn mở nó ra.

"Hoá ra là bánh trung thu." Mắt nó sáng lên, rồi ngẩng đầu nói bằng giọng phách lối:"Thế mà anh dám giấu là không có gì à? Đồ dối trá, có bánh ngon liền muốn giấu, em sẽ mách mẹ."

Mặt Cẩm Tiêu trầm xuống, há miệng muốn nói nhưng đã không kịp nữa.

"Mẹ! Mẹ ơi! Cẩm Tiêu có bánh trung thu nhưng không muốn cho con!"

Nó há mỏ kêu to.

"Cái gì? Cẩm Tiêu! Mày làm anh mà thế hả? Có mỗi cái bánh cũng không chịu chia cho em, mày có còn là người trong cái nhà này nữa không?"

Người chưa thấy, tiếng nói to chua ngoa đã phát ra trước.

Cẩm Tiêu lạnh mặt nghe, đôi môi trắng bệch hơi nhếch lên, cậu không thèm phản ứng nữa đi thẳng vào trong phòng mình.

"Cái đồ ăn hại, mẹ mày đang nói mà dám trốn đi à? Thằng vô dụng, chẳng bằng chị gái nó."

"Xem chị mày đi, là con gái nhưng kiếm tiền giỏi còn hơn mày."



Mẹ Cẩm mỉa mai Cẩm Tiêu, nhưng nhắc đến Cẩm Kiều giọng điệu lại hiện lên vẻ kiêu ngạo tự hào.

"Mẹ, mẹ ơi. Hôm nay chị lại lên trấn ạ?" Cẩm Manh lúng búng hỏi, trong miệng phồng lên.

"Ừ, chị con nói mai về sẽ mang nhiều bánh trung thu đến đấy." Mẹ Cẩm vỗ đầu Cẩm Manh, "Con trai ngoan, cho mẹ ăn một chút đi nào."

"Không được." Cẩm Manh nhồm nhoàm nhai bánh, giấu 3 cái bánh còn lại ra sau.

Mẹ Cẩm tức giận tát đầu Cẩm Manh một cái, "Nhóc con keo kiệt, hôm nay con không cho mẹ ăn, ngày mai đừng mơ đến bánh chị con mang về nữa."

Cẩm Manh hốt hoảng:"Vậy mẹ ăn đi, con còn muốn ăn bánh của chị mang về nữa."

Năm trước mỗi lần chị nó lên trấn sát ngày trung thu, sẽ mang rất nhiều bánh ngon về.

Các nhà khác không có mấy ai ăn được nhiều bánh trung thu ngon và tinh xảo như vậy đâu. Thế nên nó rất kiêu hãnh, cứ mang một cái lên lớp khoe khoang với đám bạn để bọn họ thèm chết.

Nhìn đám bạn mở to mắt nhào nhào nói lời nịnh nọt, nhìn ngắm rồi xin xỏ ăn một miếng, khiến tâm tư ham hư vinh và ưa nghe lời nịnh hót của nó được thoả mãn.

Cẩm Tiêu đặt tay che mắt, nằm trên giường cứng, đầu óc mờ mịt.

Rốt cuộc, cậu sinh ra để làm gì?

Tồn tại đến bây giờ để làm gì?

Năm 6 tuổi, thời thế gian khổ, lương thực hiếm hoi, tiền bạc càng khó kiếm. Cha mẹ nhìn 2 đứa trẻ song sinh gương mặt giống nhau như đúc, họ phân vân bàn bạc với nhau.

Nhìn người chị nhu thuận hoạt bát, và người em trầm mặc ít lời luôn ốm yếu. 2 người quyết định, bán đứa em đi.

Lúc biết mình bị bán cho người xa lạ, bé trai luôn yếu ớt trầm mặc đột nhiên khóc toáng lên, giãy dụa kêu thét không muốn đi.



"Cha, mẹ! Đừng bán con mà! Bé Tiêu sẽ ngoan sẽ làm việc mà, đừng bán con đi... Đừng! Cha mẹ ơi!"

Bé trai khóc đến tê tâm liệt phế, gương mặt nhỏ nhắn gầy hóp xương ướt đẫm nước mắt.

Song, dù bé có cầu xin, kêu gào khóc lóc thế nào cha mẹ cũng không có hành động níu kéo gì. Người cha thở dài quay đầu đi, người mẹ cúi đầu ôm bé gái xinh đẹp đang sợ hãi vào lòng dỗ dành.

Tiếng kêu khóc của bé dần dần đi xa, cho đến khi khuất thật xa. Người cha mới thở dài vuốt gương mặt.

Thời thế gian khổ, vài hộ gia đình không nuôi nổi con hoặc không có một đồng tiền nào sẽ bán đi một vài đứa con đi.

Vài hộ không nỡ, nhưng đành chịu.

Không bán con đi, vậy họ phải sống qua ngày kiểu gì đây? Lương thực ít ỏi, chính mình còn nuôi chưa xong, nay phải nuôi thêm mấy cái miệng thì sao mà chịu được chứ?

Bé trai bị bán đến hộ gia đình trên trấn, có 2 ông bà đã lớn tuổi và một cậu bé trai. Ông bà là người có chút điều kiện, bình thường rất nghiêm khắc, cậu làm sai một điều sẽ bị phạt đánh. Nhưng 2 người lại cho cậu ăn cho cậu đến trường.

Bé trai biết mình đang sống ở nơi xa, đã ở nhà người ta bé cũng tự mình biết mình, mỗi ngày dậy sớm quét sân lau nhà giặt quần áo.

Có chút thời gian rảnh thì lấy sách vở học bài.

Người khác muốn đi học cũng không được, cho nên khi được đến trường bé rất biết trân trọng, mỗi lần lên lớp đều cố gắng học cho giỏi.

Đến năm bé học lớp 9, 2 ông bà qua đời. Trước khi đi, 2 ông bà đã hỏi qua, về sau cậu muốn đi nơi nào? Đi theo cháu trai ông bà hay về nhà?

Bé trai do dự, rồi lựa chọn trở về nhà với cha mẹ.

Chính vì lựa chọn về nhà này mới đẩy bé vào hoàn cảnh khổ sở. Từ nhớ nhung mong mỏi, đến cực lực phản kháng, và rồi đến mệt mỏi chết lặng.

Trái tim gần như bị hào mòn, câm lặng nhận đủ vết thương sâu nông.

Còn gì tuyệt vọng hơn khi bị chính người nhà mà mình luôn đặt trong tim đối xử tệ bạc? Tình người ấm lạnh, người nhà lại chẳng bằng người xa lạ.