Nhà Nơi Trấn Nhỏ

Chương 3: Phiên chợ ngoặt sông (Hạ)




Khi nhóm đồng tử đi sau tiến về phía thần đàn, để lại trên con đường nhỏ đất vàng ấy, ngoài thóc lúa ra, còn có thật nhiều viên đường màu sắc sặc sỡ.

Những đứa trẻ vừa rồi còn trốn sau lưng cha mẹ, lúc này lại trở nên rất cao hứng, hoàn toàn quên đi nỗi sợ hãi mà mấy cái mặt mũi hung tợn kia mang lại.

Một đám chổng mông xuống đất tìm kiếm, khi mắt tinh tìm được một viên, lập tức nhặt lên giấu vào trong túi nhỏ, đôi mắt nhỏ nheo lại, cứ như sợ người khác không biết mình có đường vậy.

A Hạ đứng ở một bên xem, xem đến cực kỳ vui vẻ. Có người nhẹ nhàng chạm vào ngón tay nàng, nàng cúi đầu nhìn, là một cô bé mặc áo bông đỏ, có khuôn mặt tròn tròn nho nhỏ.

"Này, tỷ tỷ, cho tỷ đường, là muội nhặt được đó. "

Tiểu Hà xòe bàn tay ra, một viên đường bọc giấy dầu nằm trong lòng bàn tay cô bé, khuôn mặt nhỏ nhắn cười đến phiếm hồng.

"Cho tỷ sao?"

"Đúng ạ, tỷ tỷ lớn lên giống em."

Mẹ Phương nghe thấy thì cười thành tiếng, hai người xác thật giống nhau, đều là có gương mặt tròn đầy thịt, mắt to, cười lên lộ má lúm đồng tiền.

A Hạ phồng mặt lên, làm ra một biểu cảm kỳ quái, chọc cho Tiểu Hà cười to. Nàng nhận lấy đường trong tay cô bé, cũng cười theo, "Muội cho tỷ một viên đường, nên có thể đến đây đổi một thứ khác."

Hôm nay nàng cũng mang theo đồ vật tới bày bán, là một bao đồ chơi nhỏ bằng gốm sứ.

Tiểu Hà đảo qua đảo lại viên đường trong miệng, chỉ ra phía sau mình, nói lí nhí: "Muội còn có bạn chơi cùng, có thể gọi bọn họ đến xem không ạ?"

Trẻ con ở quê cũng biết lễ nghĩa, không nói muốn mọi người đều lấy đường tới đổi, nhưng vô góp vui, xem náo nhiệt thì luôn muốn làm cùng nhau.

"Đương nhiên có thể rồi, sạp của chị ở nơi đó."

A Hạ giơ tay chỉ cho cô bé xem, ở đó có một cái bàn nhỏ sơn màu xanh nhạt, phía trên treo một lá cờ thêu một chú mèo tam thể đang ngẩng đầu ưỡn ngực, chân giẫm lên chuột. Đấy chính là sạp hàng của nàng.

Mấy đứa bé lần đầu nhìn thấy một con mèo oai phong như vậy, sống động như thật, liền đường cũng không thèm nhặt, xô đẩy đòi đi về phía ấy.

Tiểu Hà reo lên "Oa", cô bé dùng sức nhón chân, quay đầu lại nói với A Hạ một cách đầy ngạc nhiên và vui mừng: "Tỷ tỷ, nó giống Đại Hoàng trong thôn quá."

"Còn có con càng giống Đại Hoàng hơn cơ, các muội nhìn này."

A Hạ kéo từ trong rương ra một cái tay nải, mở nút buộc và trải ra trên bàn, mấy đứa trẻ vội vàng chuyển ánh mắt từ lá cờ xuống đống đồ chơi nhỏ, thiếu điều dán chặt mắt lên đó, nhưng lại không dám vươn tay chạm vào.

Trẻ em ở nông thôn có rất ít đồ chơi, cha mẹ nào có chút của cải sẽ mua cái trống bỏi, người nghèo hơn thì chỉ có thể cho con mình cái còi trẻ em tự làm bằng gỗ, bôi một chút dầu, thổi ra âm thanh rất to. Chẳng sợ mấy đồ chơi ấy không có giá trị, chúng vẫn được luồn một sợi dây đỏ rồi đeo lên cổ, để người khác có thể nhìn thấy.

Nhưng khi một đống đồ chơi nhỏ bằng gốm sứ ở ngay trước mắt, liền có chút không xuống tay được. Mèo đen trắng to béo, bầy cún con nằm cuộn tròn bên nhau chỉ để lộ ra cái đuôi nhỏ, sơn dương trắng như tuyết, hay con gấu nằm sấp ngủ gật..., tất cả bọn chúng đều trông rất nhỏ nhắn và dễ thương.

Toàn bộ đều do A Hạ tự tay nặn lúc nhàn rỗi, nàng cũng có thủ nghệ khéo léo như mẹ mình, khi cầm đất sét trên tay, trong đầu nàng liền hiện ra những vật nhỏ đáng yêu, ngộ nghĩnh.

Nàng đã sớm dựa vào cái này mà kiếm được một khoản tiền cho mình, hôm nay cũng không phải đến đây vì tiền, cho nên A Hạ cúi người xuống, giơ một ngón tay lên lắc lắc, nói với bọn trẻ, "Nơi này không cần tiền, nhưng phải lấy một thứ gì đó đổi với tỷ."

"Cái gì cũng được ạ?"

Một đứa bé ăn mặc rách rưới, hai má đỏ ửng vì nứt da, sụt sịt cánh mũi, đôi mắt sáng lấp lánh nhìn nàng chằm chằm.



"Tất nhiên rồi, nhưng nếu đệ nhổ một cọng cỏ từ dưới đất đưa cho tỷ, thì tỷ thấy không được hợp lý cho lắm."

A Hạ đối xử với trẻ em rất tốt, nói chuyện lúc nào cũng nhỏ nhẹ.

Đứa bé nghe vậy liền hướng sang bên cạnh mà chạy, rất nhiều đứa bé khác cũng chạy theo sau, tạo ra một trận gió đất vàng.

A Hạ nhẹ nhàng sờ sờ đầu Tiểu Hà, "Lúc nãy muội đã cho tỷ một đồ vật, muội đổi trước đi."

Mấy người bạn chơi cùng của Tiểu Hà còn cao hứng hơn cả cô bé, vây quanh Tiểu Hà sôi nổi đưa ra lời khuyên cho bạn mình. Nhưng sau khi xem qua từng cái, Tiểu Hà chọn con gấu trúc ở bên trong, cô bé thật cẩn thận chọc chọc vào cái bụng béo ú kia, vẻ mặt rất mãn nguyện, "Tỷ tỷ, muội thích lắm."

Tiểu Hà không phải là người "giữ của", sau khi tự mình sờ xong, cô bé còn muốn chia cho các bạn chơi cùng, chờ cho mỗi người đều chạm được vào mới thôi.

Những đứa trẻ khác cũng tỏ vẻ thèm muốn nhưng lại không có gì để đổi. Có vài đứa cùng góp lại thành một đống đường đưa cho A Hạ, nàng vui vẻ nhận lấy, quả nhiên mấy khuôn mặt vừa rồi còn ủ rũ, giờ đã tươi tắn trở lại. Bọn chúng chọn ra món mà chúng cảm thấy tốt nhất, cất giấu như một báu vật.

Cậu bé lúc nãy đã chạy trở lại, còn kéo theo một bé gái, hai người xòe tay ra, để lộ quả trứng gà vàng và to, đối với chúng mà nói thì đây xem như một thứ rất quý giá. Cô bé nhỏ nhút nhát, sợ sệt hỏi nàng, "Tỷ tỷ, cái này có đổi được không ạ? Muội và ca ca đã nói qua với mẹ rồi."

"Được chứ, hai đứa có thể chọn hai cái."

Vẻ mặt khẩn trương của hai đứa nhỏ dịu đi, chúng chọn cừu và mèo, cô bé thẹn thùng nói: "Mang về cho a nương xem, còn có Tiểu Yến nữa, hai đứa muội sẽ chơi chung."

Trong đám trẻ cũng vang lên những tiếng nói thi nhau kể rằng mình phải cho người này người kia xem, có đứa còn nói sẽ mang đến cho con gái của biểu cô mẫu ở trấn trên nhìn, thực sự rất vui thích.

A Hạ là người đầu tiên thu quán ở chợ quê, nàng đến một cái đồng tiền cũng chưa thấy qua, trong túi vải nhỏ của nàng chỉ toàn là những đồ vật nhỏ vụn vặt không đáng giá. Nhưng chưa từng thấy ai bị thế mà vui vẻ giống như nàng, mẹ Phương cảm thấy như mình đã sinh ra một hũ rượu ngọt.

"Còn bảo không phải trẻ con." mẹ Phương cười, dùng tay chọc vào trán nàng, "Thu dọn mấy thứ tốt của con đi, về nhà cho ca con nhìn một cái."

A Hạ nhếch môi, nàng vui đến mức ngàn vàng cũng không mua được, "Đại ca nhất định sẽ khen con."

"Khen con buôn bán lỗ vốn ấy."

Mẹ Phương cười đến suýt té ngã.

Tuy nhiên, nàng ấy thật không ngờ tới, mấy đứa bé nhận được những món đồ chơi xinh xắn kia lại vui mừng đến vậy. Cơ mà các người lớn trong nhà thì thấy rất ngượng ngùng, nhìn thấy bọn họ còn bày quầy hàng, liền dẫn con mình đến đây.

Ông nội bày bán đèn lồng giấy, mặt trên mời người vẽ hoa lá chim muông. Ô thì được phân chia theo kích cỡ, còn có ô nhỏ dành cho trẻ em, được sơn màu sắc tươi sáng, tua đều được nhuộm màu tươi tắn, căn bản không lo không bán được.

Bọn trẻ nhanh chóng vây đến trước sạp mẹ Phương, A Hạ lấy ra một bức tranh vẽ sẵn, trên đó có vẽ mèo, chó, gà hoặc là hoa, đèn lồng, người tí hon, kèm theo giá cả ghi sẵn.

Giá rẻ nhất là ba văn, đắt nhất phải đến hai mươi văn.

Lập tức liền có một đứa bé nhìn trúng con mèo tam thể ở trên cùng, cô bé quấn lấy nài nỉ nương mình mua cái đó, "Mua con mèo nhé ạ."

Nương cô bé không có cách nào khác, móc ba văn tiền ra đặt lên trên bàn, mẹ Phương cũng không chạm tay vào tiền, cục bột này rất khó chiều, nếu lỡ chạm vào đồ bẩn liền sẽ để lại dấu vết trên đó, nhìn rất mất vệ sinh.

Nàng ấy đã nặn tượng bột suốt mười năm, sớm đã quen tay hay việc, nhắm hai mắt cũng có thể nặn ra được. Vo tròn, nhào khối dài, nặn lỗ tai, chưa đầy một lúc, hình dáng con mèo tam thể đang nằm ngủ đã hiện ra, mẹ Phương phủ thêm hoa văn, điểm tô đôi mắt cho nó, thật giống hệt như trong bản vẽ.

Động tác của nàng ấy làm cho lũ trẻ kinh ngạc đến há hốc mồm, A Hạ chỉ cần ở phía sau thu tiền là được, chưa đến một canh giờ mà một chậu bột lớn đã hết sạch, những đứa trẻ không mua được còn có chút tiếc nuối.

Mấy đứa trẻ mua được thì ngẩng cao đầu, như thể vừa đánh thắng trận, nghênh ngang rời đi.

Mẹ Phương và A Hạ thu dọn đồ đạc, nàng ấy rút lại những lời vừa rồi mình đã nói, "Là ta quá tham lam, con còn mua bán giỏi hơn ta."



A Hạ ngẩng cao đầu, nếu nàng cũng có cái đuôi như Bánh Gạo thì không chừng sẽ vểnh đến tận trời rồi.

Chợ quê đang vào thời điểm náo nhiệt, người từ làng trên xóm dưới đều lái thuyền lại đây, ông nội ở lại trông quán, bên cạnh vừa lúc có một người bán gỗ, ông còn muốn chọn vài khối gỗ tốt.

Cho nên chỉ có mẹ Phương mang theo tiền, bị A Hạ kéo cánh tay đi dạo, hai mẹ con đều là người kiếm được, tiêu được. Nhìn thấy quầy hàng bán trang sức, không phải là đồ làm từ vàng hay bạc, mà dùng dây tuyến đan thành những chiếc vòng xinh xắn, mẹ Phương liền muốn mua cho A Hạ, nói nàng đeo lên sẽ rất đẹp.

Còn có mấy bộ trang phục kia, màu sắc tươi tắn, may cũng rất được. Cho dù sau khi mặc cả, giá vẫn còn hơi cao, nhưng mẹ Phương cũng không chớp mắt mà mua ngay.

Dạo đến sau cùng, nàng ấy cũng không mua được bao nhiêu cho bản thân, mà toàn là mua cho A Hạ.

Đi mệt, hai người đến trước một sạp hàng, nhìn qua thì thấy bàn vuông được bày ngoài trời, sào trúc dựng cao treo một chiếc đèn lồng có chữ viết. Bên cạnh là hai bếp lò, trên đó đặt một cái nồi chân cao có chiều dài bằng bếp lò, dù được đậy kín mít nhưng mùi thơm vẫn bay ra ngoài.

A Hạ thính mũi, "Là bán mì Dương Xuân."

Chủ quán mì nghe thấy, trả lời nàng, "Đúng vậy, có muốn một bát mì Dương Xuân không?"

Mẹ Phương đặt tiền xuống, ngồi vào chỗ trống, "Mang tới hai bát."

"Có ngay!"

Để làm ra mì Dương Xuân cần chú trọng nhiều điểm, không phải cứ ở quê là có thể tùy tiện cho vài loại nguyên liệu vào trong nồi, nấu cho nhừ là được.

Trong chiếc nồi chân cao kia của chủ quán cũng không phải là nước bình thường, mà là nước dùng đã được ninh kĩ. Hắn kể rằng, đêm hôm trước đi bắt lươn, sáng tinh mơ liền dùng xương lươn kia bọc tỏi, còn phải lấy vải thưa bao lại, không được để lẫn vụn nhỏ, ninh vài tiếng đồng hồ, cả gian nhà đều tràn ngập hương thơm.

Chủ quán đặt mì vào vá trụng bằng tre, kéo thẳng sợi mì, rồi mở nồi nước sôi ra, phía dưới bếp lò lửa cháy xèo xèo. Không lâu sau, hắn vớt mì lên, vẩy cho ráo nước.

Thả vào hai bát sứ một muỗng mỡ heo, hắn hỏi, "Có muốn thêm hành lá không?"

A Hạ không chút nghĩ ngợi, "Thêm nhiều hành lá ạ."

Chủ quán liền cho hai nắm hành tỏi vào bát, rồi thả mì vào, mì lập tức trượt xuống, sau đó hắn tưới lên một vá nước dùng. Lớp váng dầu và hành xanh tỏi trắng nổi lên trên, mì cuộn tròn chìm ở phía dưới, nhìn qua đã biết không tồi.

A Hạ rút hai đôi đũa, vẫn còn nóng, để mì Dương Xuân ngon đúng chuẩn, phải đảm bảo ba thứ nóng, là mì nóng, bát nóng và đũa nóng.

Nàng dùng đũa trộn lên, đem hành tỏi trộn đều vào trong mì, thổi một hơi, sợi mì dài quá, một lần không thể ăn hết. Nàng cắn làm đôi, mì mềm mềm dai dai nhai rất ngon, lại còn hơi sần sật, có mùi thơm của lúa mì.

Sau khi ăn đũa mì thì nhất định phải húp nước dùng, A Hạ thích ăn mì như vậy, nước dùng kia quả thực không hổ danh là được nấu từ xương lươn, ngon ngọt tuyệt vời, lại thơm mùi hành tỏi, khiến A Hạ uống một hơi đến non nửa bát.

Đầu xuân trời vẫn lạnh, bình thường không cầm theo lò sưởi tay thì sẽ bị đông lạnh đến mũi đỏ ửng, tay tê cứng, nhưng sau khi ăn một bát mì Dương Xuân xuống bụng, sau lưng đổ mồ hôi, trong bụng ấm áp, gió lạnh cũng có vẻ không còn lạnh thấu xương như vậy nữa.

A Hạ còn mang một bát về cho ông nội, hương vị so với ăn tại quán thì hơi kém hơn một chút, nhưng vẫn là ngon hơn nhiều loại mì khác.

Người trong chợ quê dần dần tản đi, thuyền của A Hạ cũng rời bến, len lỏi giữa nhiều chiếc thuyền nhỏ khác.

Cạnh cửa sông có một con đường nhỏ uốn lượn ngoằn ngoèo, dẫn vào trong thôn, những đứa trẻ buổi sáng cầm đồ vật đổi lấy đồ gốm sứ đang tung tăng nhảy nhót trên đường về nhà, nhìn thấy A Hạ ở đầu thuyền, chúng còn nhảy cẩng lên vẫy tay với nàng.

A Hạ cũng vẫy tay đáp lại, lắc lắc túi vải của mình, bên trong chứa đầy niềm vui của nàng ngày hôm nay.

Bóng dáng trên bờ dần dần xa khuất, thuyền lại tiến vào đầm cỏ lau, dọa cho một đàn chim nước vỗ cánh bay về phương xa, đến nơi khác tìm chỗ an cư.

Ông nội đung đưa mái chèo, xướng lên bài ca, "Đồng chiếu khai thuyền phát gió tây, vòng ra huyền sơn đuôi thuyền đưa. Về nhà nào..."