Phản Diện Đại Nhân Không Ưa Tôi

Chương 11: Hội Viên Nguyệt


Một tuần thoáng cái trôi qua. Đó cũng là lúc chương hai trong cốt truyện chính bắt đầu: “Hội Viên Nguyệt”.

Hội Viên Nguyệt là hội làng của huyện nhỏ dưới núi Thiên Vân. Người ta ăn mừng đêm trăng ngày tháng bảy âm lịch đã qua, mong cầu cho những sự tốt đẹp hơn sẽ tới vào tháng sau.

Đây là một phong tục của địa phương. Cũng là ngày duy nhất Thiên Vân sơn đồng ý mở cửa cho đám đệ tử xuống núi chơi mà không chịu bất kì sự giám sát nghiêm ngặt nào.

Sở dĩ tôi mong cái ngày này bởi trong cốt truyện gốc có cảnh nam nữ chính vô tình gặp nhau trong lễ hội.

Khiết Vân sẽ cùng Tử Huyên xuống núi và dù nam nữ chính có đeo mặt nạ thì vẫn dễ dàng nhận ra nhau như một lẽ tình cờ dĩ nhiên và định mệnh đã được sắp đặt.

Lúc này nhờ có sự đưa đẩy của tôi mà nữ chính đã trở thành đệ tử Thiên Vân sơn sớm một năm. Tôi nghĩ mình nên tạo điều kiện và cũng phải tận dụng một vài khung cảnh trong cốt truyện gốc. Cảnh tình đẹp như vậy, không triển phí lắm!

Tôi dù chưa thực sự thân với Cẩm Hy, nhưng bằng việc ngày nào cũng đến năn nỉ cô tham gia hội Viên Nguyệt, Cẩm Hy cũng đã mở lòng chút ít với tôi, đành bất lực đồng ý đi cặp với tôi trẩy hội.

Tôi mở tủ đồ ra, dểnh mũi khoanh tay:

“Hy tỷ, tỷ chọn đi. Chúng ta không thể xuống chơi xuềnh xoàng được.”

Tôi cho Cẩm Hy mượn đồ của mình. Cẩm Hy dáng vóc cũng tương đối Úy Trì Tuyết Nhi nên tôi cũng tận dụng. Chứ không để Cẩm Hy mặc đồ tông môn trẩy hội còn tôi váy vóc xúng xính thì kì lắm.

Cẩm Hy lúng túng, cô gái nhỏ này đang sợ làm mất lòng tôi.

“T-Ta chọn được sao?”

Tôi gật đầu lia lịa.

“Vì sao muội đối tốt với ta như vậy?”

Cẩm Hy hỏi thế. Nếu thực lòng để tôi trả lời, thì tám phần là tôi thương cô, tuổi nhỏ mà lận đận vất vả, sống được đến giờ cũng là một kì tích.

Nếu tôi không nhầm là Cẩm Hy bị hạ độc năm mười sáu tuổi khiến cô quên hết đi kí ức của mình. Cẩm Hy cũng đã từng tu tiên, sư phụ của cô không được nhắc đến nhiều, dường như là một nhân vật cốt cán trên Thiên đình.



Một người đã quên đi đoạn kí ức vô cùng quan trọng với mình thế không phải đáng thương lắm sao? Đời người có mấy cái mười sáu năm nào. Chợt cái mất đi mục đích sống, quên đi chính mình thì phải cô đơn lạc lõng dường nào.

Phần còn lại của nguyên do, ấy bởi cô là nữ chính. Nữ chính và nam chính phải đến với nhau tôi mới về được thế giới của mình.

Tất nhiên tôi sẽ dối lòng và không huỵch toẹt nói những gì đang suy diễn trong đầu tôi. Tôi chỉ cười tươi và tựa vào vai cô:

“Vì ta muốn làm bạn với tỷ.”

Cẩm Hy nói nhè nhẹ:

“Đây là lần đầu tiên... có người chủ động muốn đối tốt với ta, cũng không chê ta xấu xí.”

“Hy tỷ, đời này của tỷ, sẽ còn nhiều lần đầu tiên, nhiều người như ta đối tốt với tỷ.”

Và điều tôi nhắc đến thì đó đương nhiên là nam chính rồi.

“Nhưng gương mặt ta thế này, kể cả có mặc đồ đẹp thì cũng...”

Cô ấy lo ngại về bên mắt có màu trắng đục và vết thẹo dài trên gương mặt mình. Không sao cả, tôi lôi ra trong két tủ hai chiếc mặt nạ giống nhau y đúc, đeo cho Cẩm Hy. Tôi nghiêng đầu, an ủi cô:

“Như vậy hai chúng ta thật giống tỷ muội ruột nhỉ?”

Vì giống nhau nên sẽ chẳng ai nhận ra cô đâu. Cũng vì giống nhau mà Cẩm Hy không cần tự ti về mình, cô không khác biệt và cũng chẳng cô đơn.

Cẩm Hy cũng không nỡ từ chối sự đưa đẩy nhiệt tình đó từ tôi. Hôm sau, chúng tôi dàn díu dắt nhau tới lễ hội.

Tôi không còn nhớ chi tiết tác giả nguyên tác miêu tả ra sao về hội Viên Nguyệt, nhưng không sao cả, hôm nay tôi đã được chứng kiến rồi. Cảnh đẹp này tôi sẽ cất giữ cho riêng mình.

Một vẻ đẹp hoài cổ với những chiếc đèn lồng đan chồng lên nhau từng lớp, rợp kín bầu trời. Ánh sát màu vàng nhạt của những ngọn nến đang phủ lên màn đêm một lớp màn sương mỏng lung linh bụi vàng.

Đoàn người huyên náo tấp nập che kín lối đi, ai cũng diện cho mình bộ trang phục đẹp để trẩy hội. Các sạp hàng đứng nép hai bên liên tục chào mời khách.

Khung cảnh này khiến tôi thấy bớt nhớ nhà đi rất nhiều. Thiên Vân sơn yên tĩnh và quá thanh tịnh, khác xa với nơi tôi ở, một phố thị phồn hoa, người nhiều hơn cả lá.



Tôi là một kẻ thích hòa vào dòng người đông đúc, chạy theo nhịp chảy. Không phải vì tôi ưa sự xô bồ mà khi đứng giữa dòng người tôi thấy an toàn và không cô đơn, lạc lõng.

Tiếng người nói cười khiến không khí thêm phần nô nức, những tiếng trống, chiêng khua vào nhau tạo nên âm thanh riêng biệt đặc trưng ngày lễ hội.

Tôi dắt tay Cẩm Hy đi. Tôi thấy tay cô ấy căng cứng. Căng thẳng? Không, tôi nghĩ là vì choáng ngợp trước khung cảnh này. Cẩm Hy mất đi kí ức, có lẽ Tết Trung Thu hay Nguyên Đán cô ấy cũng không biết.

Rồi chợt, một mùi hương thu hút tôi.

Hương hạt dẻ nướng.

Nhìn sang sạp kề bên, một tay thợ điêu luyện một mình cân hai chảo lửa, tay lật bánh, tay đảo hạt, rang những mẻ bánh hạt dẻ vàng ươm trông rất hút mắt.

Tay thợ bánh này chắc phải kinh nghiệm dày dặn lắm. Cái chảo rang to thế kia... Khói lại nghi ngút, sức nóng chắc cũng không nhỏ ấy thế mà đôi tay rắn rỏi rám nắng ấy vẫn cầm quây chảo đảo lia lịa không hề thấy mỏi.

Không phải tôi đói đâu nhé. Tôi nể tài năng của ông ta nên tôi mua thôi.

Tôi quay sang hỏi Cẩm Hy:

“Tỷ ăn không?”

Cẩm Hy hình như cũng thích đồ ngọt giống tôi. Cô chầm chậm gật đầu.

Thấy thế, tôi hí hửng buông tay cô, lục trong túi mấy đồng bạc lẻ đưa cho chủ sạp:

“Chủ quầy, cho ta hai chiếc.”

“Hai chiếc? Có ngay!”

Ông nhanh nhẹn vớ lấy hai cái bánh, gói vào một cái bọc giấy rồi đưa tôi. Thế mà tôi vừa ngoảnh ra đã không thấy người cần tìm đâu. Đoàn người đông đúc thế nào lại va phải một người không đội chung trời, không đạp chung đất.

Lễ hội nhiều người như thế, sao mà tôi cứ phải gặp tên đại ma đầu này!?