"Bởi vì cái gì cơ?". Phù Dung ngước đôi mắt to tròn của mình lên chớp chớp nhẹ mấy cái hỏi Thuỳ. Ánh mắt đong đầy sự háo hức và mong chờ.
Còn Hạnh và Gia Minh thì nhìn chằm chằm vào Thuỳ đợi câu trả lời. Họ cũng muốn biết lí do.
Thuỳ thấy ánh mắt của ba người kia thì lập tức rơi vào thế khó. Nó ngập ngừng gãi đầu mấy cái rồi cười cho qua chuyện. "Thôi, cái đó bây giờ tôi không tiện nói. Tôi nghĩ giờ chúng ta nên bàn cách để phá giải được trấn hồn trận, giúp đỡ hai chị em Tiểu Nhất thì hơn đấy"
"Dù sao thì... ở đây chắc cũng có không ít người đã bị trấn giữ linh hồn giống hai người họ mà". Thuỳ nhanh chóng bổ sung cho lời mình vừa nói để chuyển dời sự chú ý của ba người kia sang hướng khác.
Gia Minh gật gù. "Đúng là nên như thế, nhưng ít ra cũng phải cho bọn tôi một lí do chính đáng để giúp đỡ hai chị em kia đi chứ?"
"Thực sự phải nói lí do à?". Thuỳ nuốt nhẹ một ngụm nước bọt rồi căng thẳng nhìn Gia Minh, Phù Dung và Hạnh.
Gia Minh gật đầu. "Cần chứ. Cô muốn cứu người, biết cứu họ là sẽ gặp nguy hiểm mà vẫn chịu giúp, bọn tôi muốn biết lí do thì có gì đâu mà cô phải giấu?"
"Phải đó, tỷ mau nói đi!". Phù Dung hào hứng tiếp lời Gia Minh. Nói xong cô mới nhận ra bản thân lại theo thói quen gọi Thuỳ bằng nhân xưng của kiếp trước. Vì vậy cô liền lén nhìn sang xem Thuỳ có phản ứng gì không.
"Tỷ ấy sẽ không bắt lỗi ta đó chứ?"
"Ta không nghe lời tỷ ấy, liệu đến lúc lấy lại được kí ức tỷ ấy có trách phạt ta không?"
Thấy Thuỳ không phản ứng gì cô mới nhẹ nhàng thở ra một hơi nhẹ nhõm.
"May quá, vậy là tỷ ấy không để ý"
***
"Ra là vậy". Gia Minh gật gù.
"Vậy mà tớ tưởng là lí do gì khác cơ". Hạnh buông một lời cảm thán.
Phù Dung nhìn hai người trước mặt. "Gì vậy? Tôi đã bỏ lỡ mất cái gì sao?"
Hạnh ngạc nhiên nhìn Phù Dung hỏi. "Thế nãy giờ cô có nghe gì không thế?"
Phù Dung lắc đầu rồi nhỏ nhẹ cất giọng. "Thế có chuyện gì thế? Mọi người kể lại tôi nghe chung với. Lúc nãy tôi lơ đãng quá nên... chưa nghe được gì cả"
Gia Minh vừa ngẩng đầu nhìn cô một cái thì Phù Dung lập tức ồ lên. "À, ra là chuyện đó. Nếu vậy thì ta hiểu rồi!"
Hạnh và Thuỳ nghe cô nói vậy thì trực tiếp ngây người tại chỗ. Sao mới giây trước còn hỏi người ta giây sau đã tỏ ra như đã ngộ ra được hay vậy?
Mà thôi, tạm gác chuyện đó sang một bên đi, bây giờ họ có chuyện quan trọng hơn cần phải bàn bạc gấp.
Thuỳ mở lời trước. "Cách bày trận hai người biết, vậy cách phá trận hai người hẳn cũng biết nhỉ?"
Gia Minh gật đầu. "Biết, nhưng để giải thì cần chuẩn bị nhiều thứ. Hai người ở nơi rừng sâu như này e là khó tìm"
"Cần những gì hai người cứ nói đi. Bọn tôi nghe thử xem rồi còn liệu mà đi kiếm". Hạnh đề nghị.
"Chỉ cần có hai bát máu gà, thủ lợn, một bát gạo lớn, một đĩa muối đầy, và một con gà luộc. Còn lại để hai người bọn tôi lo!". Phù Dung bắt đầu liệt kê ra từng thứ một.
"Mấy cái đó thì dễ rồi. Yên tâm đi, bọn tôi sẽ kiếm được đủ trước xế chiều ngày mai!". Hạnh tự tin khẳng định.
"Thật à?". Thuỳ không tin hỏi lại Hạnh.
"Thật. Cậu quên tớ là ai à? Tớ là người sinh ra ở thôn Huyền đấy, từ nhỏ tớ đã được ông nội dạy cho một vài kĩ năng cơ bản rồi nên chuyện này chẳng làm khó được tớ đâu". Hạnh vừa cười tự hào vừa nhẹ nhàng giải thích. (29
"Vậy việc bày pháp trận và vẽ bùa để phá giải ta sẽ làm, còn chàng ấy sẽ lo phần thi pháp, hai cô lo phần chuẩn bị những lễ vật chính nhé!". Phù Dung nhanh chóng nhận cho mình một công việc rồi tiện chia luôn công việc cho từng người.
"Được!". Ba người còn lại cùng đồng thanh trả lời.
Đêm hôm ấy, ở chỗ của Thuỳ thì khá là yên bình và chẳng có tiến triển gì quá lớn ngoài việc tìm ra cách để giúp hai chị em Tiểu Nhất.
Còn ở bên phía những người bạn kia, sau khi tách khỏi đoàn, họ đã theo đường hai chị em Tiểu Nhất chỉ dẫn đi và đã tìm đến được ngôi làng kia.
Đúng với những gì mà Thuỳ phỏng đoán, người dân ở đây rất thường xuyên đến chỗ ngôi miếu kia để dọn dẹp và dâng hương cúng bái. Thường là mỗi tháng hai lần, là vào ngày rằm và ngày đầu tiên của tháng.
Khi mới đến ngôi làng, cả nhóm đều rất ngỡ ngàng vì cuộc sống sinh hoạt của người dân ở nơi đây rất phát triển. Không hề giống với một ngôi làng bị chôn vùi theo năm tháng ở nơi rừng sâu ngút ngàn trong suy nghĩ của bọn họ gì cả.
Trưởng làng ở đây, ông Nguyễn Cao Kỳ cho biết.
Thôn Vĩnh Dạ vốn là thôn có nguồn gốc từ thành Thăng Long. Do những năm cuối thời nhà Trần (cuối thế kỉ XIV), ruộng đất bị quan lại địa chủ cướp gần hết, thuế má tăng cao, nạn đói xảy ra liên miên do hệ thống đê điều không được chú trọng như trước dẫn đến mất mùa liên tiếp.
Người dân khắp nơi phải chịu cảnh tha hương cầu thực, nhiều nơi nông dân còn đứng lên khởi nghĩa đấu tranh chống lại vua quan triều đình, tiêu biểu nhất thời đó phải kể đến là hai cuộc khởi nghĩa của Phạm Sư Ôn (ở Quốc Oai, Hà Nội) và Ngô Bệ (ở Yên Phụ, Hải Dương). (1)
Nhưng rồi những cuộc khởi nghĩa kia đều thất bại hết, quá bất mãn với triều đình, nhiều người dân vì muốn mưu cầu một cuộc sống ấm no đủ đầy đã chấp nhận rời xa quê hương của mình, rời bỏ chốn xa hoa như ở kinh thành để tìm đến nơi rừng thiêng nước độc ở sát biên giới này lập nghiệp định cư, xây dựng làng mạc, kiếm cái ăn cái mặc hàng ngày.