Lê Bá Thông vừa dứt, Diệp Thảo đã nhìn thấy sự ngượng ngùng trên mặt bà Ba Miên. Nhưng trước những ánh mắt trông chờ của mọi người đang có mặt ở đó. Người đàn bà xinh đẹp kia rốt cuộc cũng chọn đối đầu.
Bà Ba Miên chậm rãi ngồi xuống lại cái ghế của mình, và trước khi mở miệng, bà đã thở hắt ra một tiếng não nề.
- Ta biết con muốn nói gì Bá Thông à. Nhưng thực là tối qua ta không có sang phòng của đại nhân. Có điều gọi cửa thì có đó. Lúc đó khoảng đầu giờ Dần, ta trở mình tỉnh giấc thì có nhờ con Nhân chạy sang gõ cửa buồng của đại nhân, gọi đại nhân dậy. Có đúng như vậy không con Nhân?
Đứng ở góc phòng ăn, tỷ Nhân bị bà Ba gọi tên thì giật thót. Rồi lập tức đứa con gái đó vội vàng gật đầu liên tục. Bên này Lê Bá Thông đã không chờ nữa mà nhanh chóng đặt câu hỏi với tỷ Nhân.
- Khi đó đại nhân đã dậy chưa?
Được tỷ Nhân đáp lại bằng một cái gật đầu dứt khoát, nên Lê Bá Thông đã tiếp.
- Dậy rồi! Ý cô là thế phải không? Nhưng tại sao là cô biết đại nhân đã dậy. Là do đại nhân nói chuyện với cô ư? Đại nhân nói gì?
Cô gái trẻ nghe Lê Bá Thông hỏi thì gật đầu liên hồi. Rồi thì vì bản thân không nói được mà vội vã đưa mắt nhìn quanh để tìm kiếm thứ gì đó có thể tượng hình cho lời nói của mình. Có điều là hình như không có nên tỷ Nhân đưa tay bóp mạnh cần cổ của mình, và song song với đó là khạc ra được một tiếng:
- Ớ!
- Ớ sao? Tại sao lại là ớ chứ?
Đôi bàn tay lập tức giơ lên và xua đi xua lại kịch liệt biểu thị cho việc Lê Bá Thông đã hiểu sai ý của mình. Nhưng hiểu sai ý thì sao? Một người câm như tỷ Nhân thì làm sao có thể nói ra ý của mình bây giờ. Đứng cạnh tỷ Nhân nãy giờ, con Lành từ đầu đến cuối vẫn giữ im lặng vì nó biết thân, biết phận của mình.
Nhưng giờ khi thấy ai nấy cũng đều tập trung ánh mắt về phía tỷ Nhâ, chờ đợi câu trả lời của tỷ ấy thì con Lành rốt cuộc cũng không nhịn được nữa. Nó rụt rè lên tiếng.
- Là "ờ" đấy ạ! Đúng không anh Đen, tui nhớ là tối rồi anh cũng canh ngoài cửa buồng chắc anh biết chớ?
- Biết! Đương nhiên là biết chứ. Đại nhân đã "ờ" một tiếng rất lớn.
Sau lời giải thích và xác nhận của con Lành với anh Đen thì mọi ánh mắt lại được dịp đổ dồn về phía Lê Bá Thông. Có điều gã trai ấy với những ánh nhìn chờ đợi đó lại không hề có phản ứng sợ hãi hay lo lắng, mà ngược lại trên mặt Lê Bá Thông lúc này tràn ngập tự tin. Lê Bá Thông nói:
- Đầu giờ Dần đại nhân vẫn trả lời tiếng gõ cửa của người làm, thì có nghĩa cả đêm rồi đại nhân vẫn khỏe mạnh.
- Nhưng tại sao đến giờ này rồi mà đại nhân chưa thức dậy? Lẽ nào là ngủ quên sao?
Trả lời bà Ba Miên bằng một cái gật đầu, Lê Bá Thông điềm tĩnh nói thêm.
- Có thể là vậy thôi. Nhưng dù sao trời cũng đã sáng hẳn rồi, nên con nghĩ cô mẫu hay đi gọi đại nhân dậy. Bởi ngủ quên như thế này thì cơ thể sẽ rất mệt mỏi. Có lẽ vì ngủ một mình không quen nên cô phụ mới ngủ quên như thế.
Gật gù tỏ ý đồng tình với suy đoán của đứa cháu trai, bà Ba Miên không còn dáng vẻ bồn chồn, lo lắng khi nãy nữa. Nhưng bà vẫn nghe theo Lê Bá Thông đứng dậy và chuẩn bị đi đến buồng ngủ của Nguyễn đại nhân. Nhưng trước khi rời bước, bà Ba Miên đã tỏ ra là một người biết điều khi hướng bà Hai Cần hỏi:
- Chị Hai! Ý chị thế nào? Chứ em thì em thấy suy đoán của thằng Thông đúng đó chị. Nên giờ mình cùng đi gọi đại nhân nha chị!
- Tôi..
Bà Hai Cần chưa nói hết câu đã phải dừng lại. Tiếng bước chân lẹt quẹt đi vào khiến người đàn bà đang chìm trong sợ hãi chợt bừng tỉnh. Bà hướng đứa con trai mình dứt ruột đẻ ra, cậu Hai Lịch mà chửi tới tấp.
- Thằng trời đánh! Rốt cuộc thì bây cũng đã về rồi! Nói mau có phải chiều qua bây đã làm gì đại nhân để ông ấy sáng nay mệt mỏi đến độ ngủ quên hả? Nói!
Vừa chửi bới, bà Hai Cần vừa lao tới đánh vào mặt vào đầu của Hai Lịch. Bị mẹ đánh bất ngờ, Hai Lịch vung tay đỡ. Lực tay quá mạnh từ đứa con trai sức dài vai rộng làm bà Hai Cần ngã ngửa ra sau. May mà đứng cạnh bà có Lê Bá Thông ra tay tương trợ mới không xảy ra cái cảnh ngả dập đầu.
Thoát được sự tấn công của mẹ mình, Hai Lịch không chút thương xót hay lo lắng cho thương thế của bà Hai Cần. Đã vậy, hắn ném ánh mắt bực bội lên người đã sinh ra hắn, mà chửi lớn:
- Bà điên hả? Mắc mớ gì mà bà đánh tôi. Tôi là con bà đó. Còn gã đàn ông kia có khi nào gã coi bà là vợ không mà bà lo lắng cho gã vậy hả? Nói có trời đất chứng giám chữ gã chết thì bà càng nhẹ nợ. Mắc gì mà phải rần rần như thế hả?
- Vậy.. vậy là bây đã đánh cha bây thật sao?
Bà Hai Cần run giọng hỏi lại con trai. Ra đây là lí do mà người đàn bà này chìm trong sự lo lắng từ nãy đến giờ. Vẫn nép người vào khuôn cửa của phòng ăn, Diệp Thảo nghe tiếng bà Hai Cần trách mắng con.
- Trời ơi! Trời ơi! Bây nói cái gì vậy hả? Cái gì mà nhẹ nợ? Bây nghĩ cái gì vậy hả? Bây nghĩ đại nhân chết thì chúng ta còn được sống trong cái nhà này sao? Con ơi là con! Bây giết mẹ bây luôn đi!
- Vậy đó là điều duy nhất bà lo lắng hả bà Hai? Bà lo nếu ta chết thì bà sẽ bị đuổi ra khỏi Nguyễn gia trang này thôi sao?
Câu hỏi đó là của Nguyễn đại nhân. Gã đàn ông từng là quan Khâm sai nắm trong tay tính mạng của cả vạn người dân đã đứng ở cửa phòng ăn rất lâu. Ông điềm tĩnh đưa tay lên ra dấu cho Diệp Thảo im lặng để bản thân đứng nghe những lời than vãn của bà Hai.
Từng bận tức giận hiện lên trên đáy mắt của Nguyễn đại nhân và đến khi sự chịu đựng của ông ta đạt tới cực hạn thì người đàn ông đó đã phun ra những lời nói như kia.
Khí tức phủ trùm lên những con người đang có mặt ở phòng ăn khiến họ không lạnh mà run. Rõ ràng Nguyễn đại nhân vẫn khỏe mạnh như lời đoán của Lê Bá Thông. Nhưng sâu tận trong đáy mắt của gã đàn ông từng là một chức tước của triều đình đó, Diệp Thảo lại nhìn thấy một sự lo lắng.
Lo lắng? Sao lại có thể lo lắng? Mà nếu lo lắng thì cũng phải là ai khác chứ không phải là Nguyễn đại nhân được. Vì Nguyễn đại nhân là vị quan thanh liên từng đả cọp tinh, mang lại sự êm ấm cho con dân của xứ Quán Trà nói riêng và Dinh Bình Hòa nói chung mà.
Cọp tinh!
Theo lời kể thì năm đó con cọp kia rình bắt bò của dân, bị trai tráng trong làng vây bắt đánh gã 1 chân của con cọp. Cọp sau khi chạy thoát được thì chỉ còn ba chân và thù hận con người vô cùng. Nên kể từng đó nó chỉ rình để bắt người ăn thịt.
Và cũng có lẽ vì ăn thịt người mà con cọp đó đã thành tinh. Nó khôn ranh đến độ thoát được hết tất cả những cái bẫy mà trai tráng ở làng giăng ra. Và còn ngang nhiên vào làng để bắt người.
Số lượng người bị cọp dữ giết hại lên tới trăm người, thì quan phải cử những thợ săn lão luyện đến giăng bẫy thì con cọp đó chuyển sang rình mò những thương lái nhỡ đường ở trạm Hòa Tân đi Hòa Du.
Ấy mới có chuyện Nguyễn đại nhân đã mật cầu Bà Chúa Ngọc. Xin bà ban cho ông cách để diệt cọp và đổi lại là ông sẽ lập miếu thờ bà bà ở ngay chỗ Hòa Du đó.
Và miếu thờ Bà Chúa Ngọc đã thực sự được xây lên ở Hòa Du.
Từng vạt nắng xuyên qua tán lá để rọi thẳng xuống cái giếng nhỏ, chỗ Diệp Thảo đang loay hoay lặt, rửa những mớ rau để nấu bữa trưa. Cá kho tộ, rau muống luộc.. những món ăn tưởng chỉ xuất hiện ở mâm cơm của nhà nghèo thì lúc này nó lại sắp được Diệp Thảo trình làng ở Nguyễn gia.
Là do Nguyễn đại nhân muốn ăn. Ông ấy nói những món ấy khiến ông nhớ lại cái thuở hàn vi.. cái thuở ông vẫn còn được sống trong vòng tay của cha của mẹ. Được yêu thương, chiều chuộng. Đó là những lời mà bà Ba Miên nói với Diệp Thảo khi cùng nàng nhặt rau.
Bà Ba còn nói thêm là bản thân rất vụng nên không thể nấu ngon những món này. Và còn gì đó nữa.. Nhưng bà chưa kịp nói hết với Diệp Thảo thì đã bị Nguyễn đại nhân gọi lên nhà trên để cùng ông tiếp chuyện quan Huyện.
Đem rổ rau vừa rửa xong vẩy tới vẩy lui vài bận cho rót nước, Diệp Thảo hơi giật mình khi thấy con Lành từ nhà trên đi xuống. Nàng cất tiếng hỏi:
- Sao vậy?
- Sao cái gì? Thì nhiệm vụ của tôi là bê trà và bánh lên thôi. Xong việc thì phải đi xuống chứ. Làm gì có phần mà ở lại nhìn quan lớn.
Ra đó là lí do cho khuôn mặt sưng lên mấy phần của con Lành. Và trong lúc này đáng ra thì Diệp Thảo nên giữ im lặng để bảo vệ hòa khí, nhưng sự tò mò lại làm cho nàng phải buột miệng hỏi:
- Nhưng chắc Lành vẫn nghe được lí do mà quan Huyện đến đây phải không? Là nhờ vả hay đến thăm hỏi đại nhân của chúng ta.
- Không nhờ vả hay thăm hỏi. Mà là..
Gian nhà trên của Nguyễn gia khá rộng với sập gụ, bàn trà được trạm trổ tinh xảo. Ngồi ở vị trí chủ nhà, Nguyễn đại nhân vươn tay ra phía quan Huyện Trịnh, nói:
- Mời Trịnh đại nhân! Nay Nguyễn tôi đã cáo lão về quê nên chỉ có trà sen thanh đạm đãi khách. Mong Trịnh đại nhân không chê hèn mà bắt lỗi Nguyễn tôi!
- Kìa Nguyễn đại nhân! Sao đại nhân lại nói tiểu quan thế? Gì mà chê hèn chứ? Đại nhân không chê tiểu quan là kẻ thấp kém thì đã may lắm rồi. Thật trong đáy lòng tiểu quan rất cảm phục đại nhân, nên vừa nhậm chức xong là tiểu quan đã vội thu xếp công việc mà đến đây ra mắt đại nhân.
- Vậy ư? Vậy mà Nguyễn tôi lại nghĩ Trịnh đại nhân không chỉ tới là để ra mắt.
Một nụ cười ngượng ngùng lập tức hiên lên trên gương mặt của Trịnh quan Huyện. Và sau đó vẻ cợt nhả ban đầu được thay bằng một sự nghiêm túc đến lạ, gã đàn ông mới hơn đôi mươi một chút đó hướng Nguyễn đại nhân mà cất giọng.
- Đúng là không thể qua mắt được Nguyễn đại nhân. Thật tiểu quan sai rồi! Mong Nguyễn đại nhân thứ lỗi.
Đội trưởng Thành từ nãy đến giờ vẫn im lặng đứng cạnh Trịnh quan huyện đột nhiên lên tiếng.
- Bẩm Trịnh đại nhân, bẩm Nguyễn đại nhân xin hai vị cho Thành tôi nói đôi lời. Thưa Nguyễn đại nhân, Trịnh đại nhân đây vốn trẻ tuổi, nhưng lại là người đỗ đầu kì thi Đình, được đích thân đương kim hoàng thượng phê chuẩn cho chức vụ Vũ Khố Thị Lang*. Có điều Trịnh đại nhân lại nhất quyết xin hoàng thượng về làm quan Huyện ở xứ Quán Trà này.
Một sự kinh ngạc hiện rõ trên gương mặt của Nguyễn đại nhân. Và cũng chẳng kiềm sự tò mò, người đàn ông mới qua ngũ tuần đó đã hướng Trịnh quan huyện, hỏi:
- Những gì Thành đội trưởng nói là sự thật sao? Nhưng vì lí do gì chứ? Vũ Khố Thị Lang.. Chánh Tam phẩm, một chức vị không phải là tầm thường. Tại sao lại bỏ qua cơ hội tốt để tiến thân như vậy chứ?
- Vậy Nguyễn đại nhân thì sao? Cũng được hoàng thượng phong hàm chánh tam phẩm kia mà, tại sao ngài lại chọn về Dinh Bình Hòa làm một chức quan Khâm sai. Tuy hàm cũng là tam phẩm, nhưng để tiến thân thì hoàn toàn không có cơ hội.
- Trịnh Thừa!
Tiếng gắt của Nguyễn đại nhân khiến không khí trong gian phòng tiếp khách lập tức trở nên nặng nề. Ngồi bên cạnh Nguyễn đại nhân, bà Ba Miên bị tiếng gắt của chồng mà sợ đến tái cả mặt.
Người đàn bà ấy vừa nghe xong tiếng gắt đó đã vội len lén đưa mắt nhìn gã thanh niên vận quần áo quan sai ngồi trước mặt.
Một đôi mày cau chặt, và vẻ mặt đầy sự kinh ngạc của Trịnh đại nhân làm bà Ba Miên không kiềm được sự sợ hãi. Người đàn bà hiểu chuyện đó lập tức vươn tay mà kéo nhẹ gấu áo của Nguyễn đại nhân.
- Kìa ông..
Bên kia, đội trưởng Thành cũng bị tiếng gắt của Nguyễn đại nhân dọa cho sợ. Và như một phản xạ, gã đàn ông đó cũng lên tiếng ngăn Nguyễn đại nhân.
- Nguyễn đại nhân! Xin đại nhân đừng nóng giận! Đừng nóng giận..
Vì nếu Nguyễn đại nhân nóng thêm một chút nữa, nói thêm một chút nữa điều không nên nói thì chắc chắn ông sẽ phạm tội khinh quân. Và khi đó không những là ông, mà cả Nguyễn gia trang sẽ chẳng một ai được toàn mạng.
Cố đè cho cơn giận đang trào lên cổ họng lùi xuống, Nguyễn đại nhân muốn thốt ra điều gì đó để xoa dịu kẻ ngồi trước mặt.
(*) Một chức vụ dưới triều phong kiến.
(Hết chương 8)