Cũng không biết Điền Đan Hồng đã tới bao lâu, Hứa Tấn Vân có mách lẻo với bà ấy không. Hai người này nói không nhiều, đứng trong sân cả buổi mà không ai mở miệng nói chuyện. Thím Hồ chỉ có thể cười xòa hòa giải.
“Ôi trời, bà mua nhiều đồ thế.”
“Bà biết đấy, điều kiện ở đây chỉ có vậy, tỉnh lỵ cách nơi này cũng xa, đi đường mất nhiều thời gian lắm đúng không?”
“Bà ăn cơm chưa? Có muốn ăn với nhà tôi không?”
Thím Hồ cười cứng cả mặt cũng không thấy Điền Đan Hồng nói một câu. Khách đứng khó đuổi đi, bà ta bĩu khóe miệng cứng ngắc: “Vào trong ngồi, ngồi nói chuyện.”
Thím Hồ chạy vào trong phòng trước. Trong phòng có bếp lò không biết ở đâu ra, còn có sẵn cốc nước và ấm trà, giường chiếu cũng được dọn dẹp gọn gàng. Thím Hồ thầm thở phào nhẹ nhõm, trong lòng niệm tiếng A di đà phật.
Điền Đan Hồng muốn tiến lên đẩy xe lăn cho Hứa Tấn Vân, nhưng Hứa Tấn Vân lại quay đầu xe trước bà. Xe lăn có thể đi nhanh như thế, bà là người lành lặn cũng phải chạy chậm mới có thể đuổi kịp.
Vào phòng, căn nhà đất trông trải, cửa sổ lại mở toang, khó tránh khỏi sẽ hơi lạnh. Bếp trong phòng đang cháy mạnh, xem như làm căn phòng vắng ngắt này có chút hơi ấm.
Thím Hồ đã di chuyển ghế đẩu đến vị trí thuận tiện, gần lửa lại sát tường, “Bà ngồi đi, có cả nước luôn.”
Điền Đan Hồng không vội ngồi xuống, lấy một phong bì đựng tiền giấy từ trong cặp da ra đưa cho thím Hồ, “Thím Hồ này, thím cứ làm việc của mình đi, tôi nói hai câu với Tấn Vân.”
Sờ phong bì hơi dày, miệng thím Hồ sắp ngoác đến mang tai. Bà ta ngại xem có bao nhiêu tiền ngay trước mặt Điền Đan Hồng, xách đồ Điền Đan Hồng mang đến rồi cúi đầu lùi ra ngoài.
Gió trên núi rất ngang ngược, thổi vù vù loạn xạ. Gió lùa vào, ngọn lửa trong bếp bị thổi bùng lên, Hứa Tấn Vân thành thạo đóng cửa, lại đặt ấm nước lên lửa.
“Tấn Vân…” hốc mắt Điền Đan Hồng đỏ lên, giọng nói run rẩy, bà biết rõ còn cố hỏi. Hỏi Hứa Tấn Vân sống có tốt không, cũng muốn Hứa Tấn Vân trả lời trái lương tâm với bà rằng mình sống tốt. Như vậy bà cũng có thể yên lòng yên dạ hơn.
Lý do đưa Hứa Tấn Vân tới đây là để y dưỡng bệnh, nhưng một nơi thế này chắc chắn không phải địa điểm tốt để dưỡng bệnh. Nơi này ngay cả người nói chuyện cũng không có, cho dù là người khỏe mạnh cũng sẽ bí bách ra bệnh.
Đứa con vốn cao to đẹp trai bị giam cầm trên chiếc xe lăn này, người gầy hốc hác đi, trong mắt cũng không có niềm vui của cuộc sống.
Cuộc sống ăn nhờ ở đậu dù có tốt đến đâu, dù người nhà đã đưa tiền, người nhận ủy thác cũng sẽ không tận tâm tận lực. Một người bại liệt phải nhìn sắc mặt họ để sống thì làm sao có cuộc sống tốt được.
Điền Đan Hồng sao có thể không hiểu, bà không dám hỏi, cũng không dám nhiều lời, ngồi xổm bên cạnh xe lăn cầm tay Hứa Tấn Vân, “Tấn Vân ơi, mẹ cũng không còn cách nào. Lần này đến thăm con cũng không dám cho bố con biết.” nói đến đây, Điền Đan Hồng cụp mắt, không có can đảm đối mặt với con trai.
Hứa Tấn Vân dùng nước nóng tráng chén trà duy nhất của y, sau đó rót nước nóng vào, đưa đến trước mặt Điền Đan Hồng, “Bác gái, ở đây chỉ có nước sôi thôi.”
Phát hiện Hứa Tấn Vân cố ý xa cách, Điền Đàn Hồng sững sờ một lát, lúng túng nhận lấy chén trà rồi ngồi xuống ghế đẩu kéo dài khoảng cách với Hứa Tấn Vân, ngón tay khẽ vuốt ve thành chén trà.
Nhà họ đẻ vượt quá mới có Hứa Tấn Vân. Lúc đầu Hứa Quốc Quyền – cha của Hứa Tấn Vân không có ý định giữ đứa bé này, nhưng bà là người làm mẹ không nỡ bỏ, ôm tâm lý may mắn, thậm chí quay về nhà mẹ đẻ kiên trì sinh con ra.
Để không ảnh hưởng đến công việc của Hứa Quốc Quyền, sợ ông ta bị người khác lấy làm đề tài nói chuyện, họ nói với người ngoài Hứa Tấn Vân là con của em trai ở quê. Từ khi Hứa Tấn Vân nhớ được chuyện, họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần với Hứa Tấn Vân, không cho phép Hứa Tấn Vân gọi họ là bố mẹ trước mặt người khác, chỉ có thể gọi là bác trai bác gái.
Hứa Quốc Quyền nhiều năm liền không được thăng chức, một người trí thức cũng tin vào thuyết bói toán và nhờ người bói một quẻ. Bói xong lại khiến Hứa Tấn Vân vốn không được Hứa Quốc Quyền thích ở nhà càng khó khăn hơn. Người coi bói nói rằng Hứa Tấn Vân mệnh cứng khắc cha, không lâu sau Hứa Tấn Vân đã bị đưa đến chỗ ông bà nội. Đến khi ông bà qua đời mới được đón về.
Trẻ con rất nhạy cảm, cậu bé biết cha mẹ không thích mình nên chưa bao giờ phàn nàn, cũng chưa từng đưa ra bất kỳ yêu cầu gì. Ở nhà luôn giữ khuôn phép, cho đến khi gặp tai nạn ngã gãy chân.
Sau khi khám ở bệnh viện tỉnh, Hứa Quốc Quyền không hề quan tâm đến kết quả, ông ta một lòng muốn tống Hứa Tấn Vân đi. Ông ta ước gì có thể thoát khỏi phiền phức này mãi mãi. Ông ta mặc kệ sự phản đối của Điền Đan Hồng, thậm chí còn dùng thái độ chủ gia đình, sai người đưa Hứa Tấn Vân đến ngọn núi hiện tại.
Mỗi tháng gửi bưu điện tiền sinh hoạt đã trở thành sự nhượng bộ cuối cùng của Hứa Quốc Quyền. Ông ta không cho Điền Đan Hồng đến thăm Hứa Tấn Vân, bản thân càng không đặt chân vào nơi đây. Ông ta muốn Hứa Tấn Vân tự sinh tự diệt ở cái nơi kêu trời trời không biết, kêu đất đất chẳng hay này.
Hứa Tấn Vân biết mẹ mình muốn nghe gì, y bèn nói cho bà nghe, để bà được như ý, “Bác gái yên tâm đi, ở đây tốt lắm, yên tĩnh hơn thành phố nhiều. Ăn ở đều có sẵn, có tiền bác và bác trai gửi mỗi tháng cháu không cần quan tâm gì cả.”
Về phần những ngày mình ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, bối rối khi không có ai chăm sóc, bài tiết không kiềm chế, và quẫn bách khi bị người khác bắt nạt, người làm cha mẹ sao biết được. Sao họ lại muốn biết, sao lại bằng lòng biết, những điều đó đều không quan trọng.
Vài tiếng “Bác gái” làm cho Điền Đan Hồng tan nát con tim, lúc không có người ngoài, Hứa Tấn Vân cũng sẽ không gọi mẹ.
“Về thành phố mất nhiều thời gian, bác gái nên về sớm đi, tránh cho bác trai biết sẽ không vui.”
Hứa Tấn Vân đang ra lệnh đuổi khách, Điền Đan Hồng nhìn bờ môi khép chặt của y, biết sẽ khó nói chuyện tiếp với y. Bà đặt chén trà xuống, đứng dậy đứng một lúc, cuối cùng vẫn lưu luyến rời đi.
Cũng không biết tại sao bác gái của Hứa Tấn Vân đến vào lúc này? Đến thăm Hứa Tấn Vân, hay là muốn đón Hứa Tấn Vân đi? Đón đi cũng tốt, tránh cho Hứa Tấn Vân ở đây chịu khổ. Cũng không biết lúc đầu nhờ quan hệ của ai mà tìm một người không đáng tin như thím Hồ.
Vạn Nguyên lại nghĩ người ta xách đồ đến không giống như đón người, vậy là thăm hỏi Hứa Tấn Vân. Nếu hắn là Hứa Tấn Vân, sẽ nhân cơ hội này kể tội thím Hồ. Nhưng tính cách của Hứa Tấn Vân chắc chắn sẽ không chịu được việc mất mặt.
Nghĩ tới nghĩ lui, Vạn Nguyên vẫn không mấy yên tâm, đi đến cửa nhà rồi lại còn vòng về. Vẫn chưa đi đến sân nhà Hứa Tấn Vân, đã thấy người phụ nữ kia cúi đầu, lau gò má, nhanh chóng bước ra khỏi cửa sân. Bà không cúi đầu mãi, lại nhanh chóng đi lên đầu cầu.
Này là… đi rồi? Mới được bao lâu chứ?
Vạn Nguyên không hiểu nổi, nhìn qua nhìn lại một lượt rồi nhảy qua ngưỡng cửa chạy chậm vào sân, “Hứa Tấn Vân ơi?”
Vừa bước vào nhà, Hứa Tấn Vân đang ngồi trước bếp rửa cốc, trên mặt đất có một vũng nước đọng. Y dùng nước nóng tráng qua cốc, lại đổ nước bên trong xuống đất.
Hứa Tấn Vân quay đầu nhìn hắn, “Sao anh lại tới đây?”
“Tôi… không yên tâm mà…” Vạn Nguyên kéo ghế đẩu ngồi xuống cạnh Hứa Tấn Vân, “Bác gái của cậu vừa đi đúng không? Tôi còn tưởng dù sao cũng sẽ ở lại một hai ngày chứ.”
Trong mắt Hứa Tấn Vân có ánh sáng đang nhảy nhót, y không nghe thấy nửa câu nói sau của Vạn Nguyên, “Không yên tâm chuyện gì?”
“Không yên tâm về cậu chứ gì.” Còn có thể không yên tâm chuyện gì nữa? Câu hỏi này quá kỳ lạ. Hứa Tấn Vân kiêu ngạo như thế, đâu chịu nói nỗi ấm ức tiểu lên người với người nhà, “Bà ấy là gì của cậu? Bác gái hả? Cậu không nói chuyện về thành phố với bà ấy à, có tệ đến đâu cũng đổi người khác chăm sóc cậu chứ.”
“Bà ấy là mẹ tôi.”
Giọng điệu nhẹ nhàng của Hứa Tấn Vân khiến Vạn Nguyên hơi mơ hồ. Trong đầu hắn không ngừng lặp lại câu nói này, sau khi tiêu hóa hoàn toàn, vậy mà lại không biết nên dùng biểu cảm gì đối mặt với Hứa Tấn Vân.
Nhìn biểu cảm phức tạp của Vạn Nguyên, lần đầu tiên Hứa Tấn Vân cười một tiếng. Y cười hơi miễng cưỡng, hơi đắng chát, y làm động tác im lặng với Vạn Nguyên, “Không được nói với người khác.”
Vạn Nguyên hơi khó chịu trước sự tự giễu nhẹ như mây gió của Hứa Tấn Vân. Hắn nghĩ mình và Hứa Tấn Vân cũng xem như thân quen, những lời đồn về Hứa Tấn Vân thật thật giả giả, hắn muốn nghe Hứa Tấn Vân tự kể.
“Hứa Tấn Vân, rốt cuộc cậu đã gặp chuyện gì?”
Nụ cười trên mặt Hứa Tấn Vân cứng đờ, ngay khi Vạn Nguyên tưởng rằng y không muốn nói, Hứa Tấn Vân lại đột nhiên lên tiếng, nhưng hỏi một đằng lại trả lời một nẻo.
“Anh là con sinh thêm[1] trong nhà đúng không?”
[1]
Tất nhiên, Vạn Nguyên gật đầu, “Lúc trước để sinh tôi mẹ tôi còn chạy về nhà ngoại ở một khoảng thời gian, trốn trốn tránh tránh. Có lẽ cũng vì lúc mang thai tôi quá bôn ba, sau khi sinh tôi sức khỏe của mẹ luôn yếu, không lâu sau thì qua đời. May mà có bà nội và chị tôi, nếu không đàn ông đàn ang như bố tôi, tôi đã chết đói từ lâu rồi.”
Nói đến đây, Vạn Nguyên hăng hái, “Lúc đó còn muốn phạt tiền bố tôi cơ, nhà tôi nghèo rớt mùng tơi lấy đâu ra tiền. Dù sao cũng đẻ rồi, lại không thể nhét tôi về trong bụng mẹ tôi.”
Cùng trải qua như nhau, Vạn Nguyên lại may mắn hơn mình nhiều, ít nhất gia đình Vạn Nguyên tràn đầy mong chờ với sự ra đời của Vạn Nguyên.
“Tôi cũng vậy,” Hứa Tấn Vân nhìn lửa trong bếp, “Nhưng… tôi sẽ ảnh hưởng đến công việc của bố tôi. Từ nhỏ tôi chưa từng gọi họ là bố mẹ trước mặt người khác, bố tôi luôn ghét tôi. Thầy bói nói tôi và ông ấy bát tự xung nhau, sau khi ngã gãy chân, ông ta đã vội vàng đưa tôi đến đây.”
Thảo nào có người nói là cha mẹ của Hứa Tấn Vân, có người lại nói là bác trai bác gái của Hứa Tấn Vân. Đây không phải đưa đến dưỡng bệnh, đây là không cần Hứa Tấn Vân nữa.
Hết chương 9