“Bẩm ông, có thư ở nhà gửi đến cho ông.”
Khi Cao Phỉ đang tấp xe bên một quán nhỏ ven đường ăn cơm thì gã đầy tớ thân tín của ông bèn trình lên một bức thư viết tay, nét chữ trong thư nguệch ngoạc chứng tỏ người viết học vấn không cao nhưng nội dung bức thư đủ để làm Cao Phỉ chấn động.
Ông nheo mắt lại, sau một hồi siết chặt chung trà trong tay đến mức đau nhói thì rốt cuộc cũng đập vỡ nó tan tành thành từng mảnh trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người có mặt trong quán.
Gã đầy tớ già nhìn ông, tự đoán biết ắt đã xảy ra chuyện gì, mà chuyện này cư nhiên còn liên quan mật thiết đến cô hai Dạ Lý. Cái hung tin này rồi cũng có ngày xảy ra, mặc dù Cao Phỉ đã âm thầm theo dõi và cầu mong sao cho nó chớ có thành sự thật, dẫu vậy thì bánh xe thời gian cứ như lần nữa quay ngược trở về thời điểm xuất phát.
Cao Phỉ vốn là đang đi giải quyết sự vụ giúp cha vợ, tự nhủ mình đã nai lưng ra làm việc không kể chi đêm ngày suốt ngần ấy năm trời, vậy mà chưa đủ để được xót thương ban cho một gia đình trọn vẹn hay sao? Vậy mà bấy lâu cái sự tày đình này vẫn tiếp diễn ư? Và giờ thì nó còn xảy đến với con gái của ông, sắp sửa phá tan đi mọi bình yên đáng lẽ phải có.
Thấy ông chủ ra chiều phẫn hận, nỗi tức tối thể hiện rõ trên từng đường tơ máu hằn trong tròng mắt, gã đầy tớ bèn thấp giọng hỏi: “Chúng ta có nên trở về không ông?”
“Về.”
Chiếc xe bon bon chạy trên đường hướng về làng, Cao Phỉ ngồi đằng sau, tay siết cây gậy gỗ đến mức sắp rách da chảy máu, tâm trí ông dường như hoảng loạn nhớ lại những ngày tháng hai vợ chồng đầu ấp tay gối, Cao gia trang là thành tựu lớn lao nhất cả cuộc đời ông, là tài sản tuy được nhà vợ cho nhưng cũng là khổ công phát triển, là nơi mà ông có được Nguyễn Thị Quý, là nơi mà ông nghe được tiếng gọi “Cha ơi” của Dạ Lý. Cao Phỉ đã luôn thề với lòng phải giữ vững gia đình này đến hơi thở cuối cùng, không thể để mất...không thể để mất!...
Vậy mà giờ thì sao? Lại sắp bị cướp mất rồi ư?
Ông không cam tâm!
Tài xế chạy rất nhanh mặc kệ chiếc xe đôi lần suýt tông trúng người đi đường, vậy mà Cao Phỉ vẫn đều đều thúc giục hắn phải nhanh hơn nữa, nhất định phải về nhà cho kịp trong vòng hôm nay.
...
“Vết thương của Dạ Lý chưa khỏi, đêm nay cứ để con Sa ngủ lại đây coi sóc nó, được không?” Nguyễn Thị Quý nói với Hồng Lệ trong khi Dạ Lý và Nam Sa đứng ở một bên nhìn hai người.
Có vẻ như Hồng Lệ vẫn còn đắn đo lắm, bà ngập ngừng hướng mắt về Nam Sa, hồi sau mới khẽ gật đầu coi như đồng ý.
Được cho phép, hai cô nàng dắt díu nhau vào buồng, Dạ Lý từ khi biết Nam Sa biết chữ thì thường hay cùng nàng đọc tiểu thuyết, đó cũng là lần đầu tiên Nam Sa biết nội dung mấy cuốn tiểu thuyết diễm tình viết về cái gì.
“Trời cũng sụp tối rồi, hay bà cũng...”
“Không.” Hồng Lệ trả lời dứt khoát ngay khi Nguyễn Thị Quý còn chưa kịp nói hết. Bà rành quá rồi tánh tình của người này, thừa biết đối phương đang muốn nói gì.
“Một hôm cũng không được?”
“Không được.”
“Vì sao?” Nguyễn Thị Quý ngồi bên bàn trà mà cúi gằm mặt giấu đi sự buồn bã.
“Bà còn hỏi tôi vì sao? Bà biết vì sao mà.” Hồng Lệ vừa nói vừa đứng lên sửa soạn đi về.
Nguyễn Thị Quý cũng không đáp lại, bà thinh lặng ngồi đó đến tận lúc Hồng Lệ đi ra cổng rào mới vội vã chạy theo.
Đêm nay trăng tròn vằng vặc, nó rọi xuống bóng dáng hai người phụ nữ trung niên lại tựa hồ có thể chiếu ra dáng vẻ thiếu nữ năm nào của họ. Như thuở ban sơ lần đầu gặp gỡ cũng từng đối diện nhau thế này.
“Hồng Lệ...”
“Bà hội đồng gọi tôi?”
“Nói em biết, vì sao năm đó chị không đến chỗ hẹn?”
Chuyện gì vậy? Nguyễn Thị Quý là đang muốn nhắc nhớ lại quá khứ ư?
Hồng Lệ mỉm cười, một nụ cười không rõ ý tứ: “Biết thì có ý nghĩa gì hay không? Đâu có quan trọng.”
“Rất quan trọng! Em xin chị, làm ơn nói cho em được biết, rằng chị có nỗi khổ tâm, rằng chị bị gã người Pháp đó hãm hại, rằng chị không phụ bạc tình cảm của chúng ta. Và rằng suốt ngần ấy năm qua em chưa từng thương lầm người, làm ơn xin hãy nói cho em biết.” Nguyễn Thị Quý nức nở níu lấy đôi tay chai sần của Hồng Lệ và bà đang run rẩy.
Khát khao được tìm ra sự thật nhiều năm qua chưa từng vơi bớt trong lòng Nguyễn Thị Quý, dù ngoài miệng bà có nói thế nào thì tận sâu vẫn luôn tin tưởng Hồng Lệ không phải là con người thay lòng đổi dạ. Dù có là cái ngày bà phải đứng suốt đêm dưới cơn mưa lạnh chờ đợi thì Nguyễn Thị Quý vẫn tin vào Hồng Lệ, mặc dù người kia đã không đến, không bao giờ đến...
Bà nhìn Hồng Lệ, ánh mắt không giấu nổi sự mong chờ nhưng đáp lại Hồng Lệ chỉ gạt nhẹ tay bà ra, mỉm cười thản nhiên đáp: “Có lẽ bà đã đề cao tình cảm thời ngô nghê đó quá rồi, nếu bà muốn biết sự thật vậy thì cũng được thôi, để hôm nay tôi nói cho bà nghe. Ngày hôm đó tôi không đến chỗ hẹn là vì đang bên cạnh ngài ấy, hm ý tôi là cha ruột của Nam Sa, ngài Scott đấy. Cũng nhờ có ngài ấy mà tôi mới biết được tình yêu thật sự là gì, cũng nhờ ngài ấy mà tôi có được Nam Sa, và cũng nhờ ngài ấy mà năm tháng đó tôi đã ăn sung mặc sướng biết bao nhiêu...”
Chát!
Một cái tát hạ xuống gò má Hồng Lệ, gương mặt bà nóng bừng và đau rát nhưng vẫn mỉm cười rất tươi xoay lại nhìn Nguyễn Thị Quý, giọng vẫn thản nhiên đến mức đau lòng: “Quý à, xin lỗi nhưng tiếc rằng em đã tin lầm người rồi.”
Bàn tay Nguyễn Thị Quý giơ cao dường như muốn tát thêm một cái, nhưng rồi bàn tay ấy lại hạ xuống. Bà thôi không còn nhìn Hồng Lệ nữa mà chỉ lặng lẽ xoay mặt giấu đi làn nước mắt đang lăn dài.
Giọng bà nghẹn đắng, không thể thốt nổi thêm bất kỳ lời lẽ nào, cứ như chỉ cần mở miệng thì sẽ liền không kiềm được nữa mà oà lên khóc ngay lập tức.
Nguyễn Thị Quý phất tay, ý bảo Hồng Lệ có thể rời đi, và thật sự người đó đã rời đi, đã lại rời đi mà không chút lưu luyến.
Khi tiếng bước chân dần xa hơn rồi mất hút hẳn thì Nguyễn Thị Quý mới loạng choạng bước ra bên ngoài đường. Bà không muốn trở vào nhà, đó đâu phải là nhà của bà, nơi nào không có Hồng Lệ thì nơi đó không bao giờ có thể là nhà.
Hai người đàn bà cứ như vậy mà ngược hướng nhau. Hồng Lệ cũng không về nhà, bà đi ra ngoài bến sông, chọn một góc khuất ngồi bệt xuống nhìn ra phía mặt nước đang phẳng lặng như tờ, thầm ước giá như lòng mình cũng phẳng lặng như vậy.
Hồng Lệ không khóc, bà chỉ thinh lặng ngồi ngây ra đó, ngược dòng thời gian đếm lại từng khoảnh khắc kỷ niệm xưa cũ, từng chút từng chút gom nhặt nó như những mảnh vỡ, ít nhất bà muốn chấp vá nó lại trong cõi lòng mình. Còn Nguyễn Thị Quý, bà cứ đi, đi mãi cho đến khi ra đến cây bàng đầu làng, đây là nơi mà nhiều năm về trước cái ngày bà còn con gái đã đứng đợi tình yêu của đời mình đến đón, rồi hai người sẽ rời xa khỏi chốn đau lòng này, sẽ chạy thật xa thật xa đến một nơi không ai biết cả hai là ai nữa, sẽ bắt đầu lại tất cả ở đó.
“Chị Lệ, đến nơi đó rồi chị muốn làm nghề gì? Không được làm việc nặng nhọc nữa đâu nha, em không chịu đâu.”
“Thợ may? Được nha được nha, chị khéo tay như vậy chắc chắn sẽ rất đông khách cho xem.”
“Còn em hở? Em sẽ làm cô giáo nè, sẽ dạy học cho tụi nhỏ! Sớm đi dạy, trưa về ăn cơm với chị rồi phụ chị may vá, đến chiều buông chúng ta sẽ cùng ngắm hoàng hôn. Tối muộn sẽ nằm bên nhau, em sẽ đọc sách cho chị nghe, em đem theo nhiều cuốn sách hay lắm.”
“Chúng ta sẽ không bao giờ xa nhau, nha chị?”
Hồi ức là món quà vô giá và cũng là sự trừng phạt nặng nề, nó giết lần mòn người ta mà không cần đến gươm đao giáo mác. Mỗi khi hoài niệm là mỗi lần Nguyễn Thị Quý chết đi, và đã chết vô số lần như thế suốt mười mấy năm qua.
Bà thanh tĩnh ngồi xuống dưới gốc bàng, lần trước ngồi ở đây chỉ mới mười tám, độ tuổi xuân sắc nhất của một đời con gái. Vậy mà bây giờ ngồi lại nơi này lần nữa thì đã là một người đàn bà bốn mươi tuổi, không còn thấy đâu dáng vẻ năm nào.
Cây bàng già cỗi đã ở nơi này chứng kiến biết bao cuộc bể dâu trôi qua, là nhân chứng cho tình yêu của Nguyễn Thị Quý và cũng cho chính sự tan vỡ của bà. Như hiểu thấu lòng người trong đục, cây bàng thả rơi một chiếc lá xuống bờ vai Nguyễn Thị Quý, nó muốn ủi an bà chăng? À không, chắc là nó muốn ủi an nàng thiếu nữ của ngày ấy, chắc cây bàng biết nàng trong đêm này đã thống khổ ra sao và nó cũng không nỡ nhìn nàng sầu muộn.
...
“Trời ơi bà ơi! Sao bà ngồi đây vậy? Con chạy đi kiếm bà nãy giờ, chết rồi bà ơi...chết thật rồi...bà mau mau về nhà!!!...”
Nguyễn Thị Quý giật mình nhìn về hướng người nói, đó là con Thanh gia nhân nhà bà mà? Sao nó lại chạy ra đây? Trông nó kìa, thất thần như mới vừa bị ma đuổi vậy.
“Mày nói cái gì mà tao không hiểu gì hết vậy? Nói lại đàng hoàng cho tao nghe coi.” Nguyễn Thị Quý gắng lê thân thể rã rời của mình đứng dậy, con Thanh chạy tới đỡ lấy bà mà nó vẫn thở hồng hộc, mặt mày xanh mét như tàu lá chuối tưởng chừng sắp đứt thở chết liền đến nơi.
Con Thanh cố lấy lại bình tĩnh, nó nói với bà rằng: “Dạ..dạ...hồi nãy con đang ngồi trước thềm chờ bà về thì thình lình xe ông chạy vô, ông về mà mặt mày tức giận lắm...” Nó lại ngắt quãng để lấy hơi thở.
Tự dưng nghe đến đây Nguyễn Thị Quý thấy sợ, một nỗi sợ bất ngờ xâm chiếm lấy bà, bèn vừa kéo nó đi về hướng Cao gia trang vừa thúc giục: “Mày kể tiếp mau lên!”
“Dạ...rồi...rồi ông đạp cửa xông vô phòng cô hai, kh..không ai dám cản hết. Rồi...rồi ông thấy...thấy cô hai...”
Nguyễn Thị Quý mất kiên nhẫn, trừng mắt với con Thanh: “Ông thấy cô hai thế nào!?”
“Ô..ng...ông thấy cô hai đang loã thể nằm dưới thân Nam Sa...”