Lúc kết thúc tiết tự học buổi tối thì màn đêm đã buông xuống.
Người trong phòng học tỉ mỉ thu dọn cặp sách, chỉ có Từ Vãn Tinh là héo rũ cả ngày lúc này mới thành pháo sáng vội xách cặp hấp tấp chạy ra ngoài.
Cô không về nhà mà lập tức chạy tới quán trà, vào lúc này Từ Nghĩa Sinh đã bắt đầu bày quán bán sủi cảo.
Thành Đô là thành phố nổi tiếng có nhịp sống chậm, mỗi khi tới đêm ngọn đèn đường sẽ dần sáng lên, người bán rong cũng sẽ đẩy xe tới nơi buôn bán.
Nướng BBQ, mỳ các loại, cá nướng đều có cả.
Vào mùa hè có món đặc sản của đất Thục là tôm lạnh băng phấn, vào đông có đồ hấp nóng hổi và xiên que.
Từ Nghĩa Sinh luôn chỉ bán sủi cảo, hè cũng như đông.
Ban ngày ông ở nhà chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn, tới 5 giờ chiều thì đẩy xe tới cạnh một quán trà trên phố bày bán.
Người Tứ Xuyên cực kỳ yêu mạt chược, trên phố này có không ít quán trà, vì thế sạp ăn vặt cũng theo đó mà ăn nên làm ra.
Ông ấy bán sủi cảo hơn nửa đời, dựa vào nghề này sống tạm và nuôi nấng Từ Vãn Tinh.
8 giờ rưỡi Từ Vãn Tinh đúng giờ đến nơi ấy, ném cặp vào xe ba bánh sau đó vén tay áo ra trận.
“Về rồi hả?” Từ Nghĩa Sinh dù bận vẫn quay đầu nhìn con gái rồi hỏi.
“Về rồi ba, đây là đưa cho ai?”
Từ Nghĩa Sinh sấm rền gió cuốn mà đặt bốn bát lớn lên cái khay và đưa cho cô, tất cả đều là sủi cảo mới ra lò, “Bát cay nhiều đưa phòng số 2 cho ông chủ Hoàng, bát cay vừa đưa vào phòng số 5 cho anh béo nhất.
Canh chua cay là của một chị mặc áo đỏ ở trong sảnh, canh suông cũng đưa tới đại sảnh, là của người râu xồm ấy, con nhớ chưa?”
Từ Vãn Tinh gật đầu, vững vàng đón lấy cái khay sau đó xoay người đi vào trong quán trà ồn ào tiếng người.
Quán trà Thịnh Vượng có cái tên thực tục khí, nhưng người chơi mạt chược lại để ý tới chút mê tín ấy, vì thế cái tên này cũng được người ta thích.
Cô nhóc ngựa quen đường cũ bước vào đại sảnh, sau khi chào hỏi bà chủ ở quầy cô chuẩn xác đưa sủi cảo cho từng vị khách.
Cho dù Từ Nghĩa Sinh chỉ nói một lần, tốc độ nhanh như máy hát thì cô vẫn nhớ rõ không hề sai.
Một đêm này không khác gì mọi ngày, Từ Nghĩa Sinh đứng trước xe ba bánh bận bịu mồ hôi đầm đìa, Từ Vãn Tinh cũng trước sau bận rộn không ngớt.
Đại khái qua 9 giờ thì Từ Nghĩa Sinh nhìn đồng hồ rồi ai da một tiếng: “Nên dọn quán rồi!”
Từ Vãn Tinh khó hiểu: “Lúc này mới mấy giờ mà đã dọn quán vậy ba?”
Từ Nghĩa Sinh cũng không giải thích mà chỉ nhanh nhẹn cất đồ vào xe, lại lôi kéo con gái ngồi lên xe ba bánh.
Bà chủ quán trà gọi với từ trong quầy: “Ai u, lão Từ, hôm nay sao sớm thế đã dọn quán rồi?”
“Chỗ chúng tôi có làng giếng mới chuyển tới nên tôi muốn mang Vãn Tinh đi chào hỏi một câu, coi như làm quen chút.” Từ Nghĩa Sinh cũng cao giọng đáp lời.
Từ Vãn Tinh kinh ngạc ngẩng đầu lên hỏi: “Láng giềng mới ư? Láng giềng mới nào?”
“Tới rồi con sẽ biết.”
Từ Nghĩa Sinh cực kín miệng, mặc cho Từ Vãn Tinh moi móc kiểu gì cũng không cạy được miệng ông.
Mười phút sau xe ba bánh đã dừng ở đầu ngõ.
Từ khi Từ Vãn Tinh có thể nhớ cô đã cùng cha sống trong ngõ nhỏ tên là Thanh Hoa.
Ngõ nhỏ một đầu rộng một đầu hẹp, chỗ rộng thì nhà cửa rộng mở, còn chỗ hẹp thì nhà cửa cũng một nhúm.
Bởi vậy cùng sống trong một ngõ nhỏ nhưng điều kiện của mọi người lại khác hẳn nhau.
Từ Nghĩa Sinh ngừng ở đầu hẹp của con ngõ, kéo cái cửa cuốn cũ kỹ ra rồi hai cha con một kéo một đẩy đưa cái xe vào trong nhà.
Ông lấy từ trong xe một túi thực phẩm nặng trĩu và nói: “Đi thôi.”
Đáp án được đưa ra vài phút sau.
Hai cha con ngừng trước cửa một ngôi nhà hai tầng có tường vàng cam bò đầy tường vi ở chỗ rộng rãi trong ngõ nhỏ.
Mấy năm trước chủ nhà này đã dọn đi, nó vẫn luôn để không tới giờ mới có chủ nhân mới.
Trước khi gõ cửa Từ Nghĩa Sinh hung ác dặn dò con gái: “Lát nữa phải thành thật một chút, phải biết ngoãn ngoãn nghe chưa.”
Từ Vãn Tinh: “……”
Xem tư thế này chẳng lẽ là lãnh đạo nhà nước chuyển tới hẻm Thanh Hoa hả?
Người ra mở cửa là một đôi vợ chồng trung niên, từ khí chất đến ăn mặc đều không tầm thường.
Lúc biết có hàng xóm láng giềng sang chào hỏi thế là bọn họ lập tức mời cha con Từ Nghĩa Sinh vào ngồi.
Dù Từ Vãn Tinh chả hiểu gì cả nhưng vẫn cẩn thận tuân theo lời dạy của cha mình mà thu lại kiêu ngạo cùng ương ngạnh sau đó bày ra một bộ ngoan ngoãn gọi cô chú.
“Tôi là Từ Nghĩa Sinh, ở cuối ngõ, đây là con gái tôi Từ Vãn Tinh.” Từ Nghĩa Sinh giới thiệu xong thì đưa túi đồ ăn ông mang tới và khiêm tốn nói, “Tôi bán sủi cảo, đây là tôi tự tay làm lấy nên rất sạch sẽ, hương vị hẳn không tệ.
Dù sao tôi cũng bán 20 năm rồi.”
Hai cha con đi vào phòng khách ngồi, trong căn nhà này mọi thứ đều rộng rãi sáng sủa, trang hoàng lịch sự tao nhã, không thấy một chút phú quý nào nhưng lại lộ ra thẩm mỹ tinh tế.
Bọn họ nhìn quanh một lát, trong đầu Từ Vãn Tinh có một sợi dây căng lên.
Cô nghiêng đầu khiếp sợ mà nhìn Từ Nghĩa Sinh với vẻ mặt không thể tin tưởng được.
Không ngờ lão Từ nhà bọn họ một mình bán sủi cảo hơn 20 năm, lúc nào cũng thanh bần thế mà hôm nay lại muốn đi con đường trèo cao, bám vào phú quý cơ đấy.
Thật đúng là kẻ sĩ nửa ngày không gặp phải nhìn kiểu khác.
Từ Vãn Tinh tỉ mỉ moi moi đống ghèn mắt không tồn tại.
Hai vợ chồng nhà kia rất lịch sự mà tự giới thiệu một phen.
Ông chồng tên là Kiều Mộ Thành, bà vợ tên là Tôn Ánh Lam.
“Tôi là người nghiên cứu địa chất, bình thường làm mấy việc như đào đất, rồi dãi nắng dầm mưa.
Bởi vì công việc yêu cầu nên thường cuối tuần tôi mới từ Bắc Kinh về đây.” Kiều Mộ Thành rất hiền hoà, mặt mũi toàn tươi cười nói, “Vợ tôi là người gốc ở đây, cũng lớn lên gần hẻm Thanh Hoa này nên lần này trở về bà ấy mới cố ý mua nhà chỗ này.”
Ba người lớn đúng như nguyên thủ quốc gia gặp nhau, nói chuyện vừa khách khí vừa thân thiết, chỉ có Từ Vãn Tinh là như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
Bề ngoài cô lù lù bất động, tươi cười dễ thân nhưng nội tâm lại đang điên cuồng phỏng đoán ý đồ của lão Từ.
Cũng may Từ Nghĩa Sinh không phải người ăn nói giỏi nên sau một hồi chào hỏi đơn giản ông ấy đã ngồi không yên mà ho khan hai tiếng sau đó tiến vào chủ đề chính: “Tôi nghe lão Lý bên cạnh nói nhà hai vị có đứa con trai cùng học lớp 11 với Vãn Tinh nhà chúng tôi, thành tích lại cực tốt.”
“Làm gì có chuyện ấy, mọi người thổi phồng quá thôi.” Tôn Ánh Lam đã qua 40 nhưng vẫn cực kỳ có phong thái, “Thật khéo, trước khi mọi người tới tiểu Dã vừa mới vác xe đi mua văn phòng phẩm.”
Bà ta nhìn cái đồng hồ kiểu Âu trên tường và nói: “Chắc thằng bé cũng sắp về rồi đó.”
Kiều Mộ Thành nhìn Từ Vãn Tinh sau đó cười hỏi: “Vãn Tinh cũng học lớp 11 sao? Cháu học chỗ nào thế, Nhất Trung hay Lục Trung?”
Cách ngõ Thanh Hoa gần nhất là hai trường Nhất Trung và Lục Trung.
Từ Vãn Tinh thành thật trả lời: “Lục Trung ạ.”
“À, tiểu Dã cũng học ở Lục Trung đó, hôm nay thằng bé mới làm xong thủ tục chuyển trường và đi học ngày đầu tiên.” Kiều Mộ Thành có chút kinh ngạc hỏi, “Cháu học lớp nào thế?”
Từ Vãn Tinh không trả lời câu hỏi ngay, cô quay đầu nhìn đồng chí Từ ngồi lù lù bên cạnh.
Sau khi cẩn thận xem xét kỹ cô đã ra kết luận: Ông ấy không hề giật mình khi biết cô và cái tên tiểu Dã kia cùng học một trường.
Thế chứng tỏ lão Từ đến đây vì con trai nhà này hử?
Từ Vãn Tinh nghĩ vòng vèo một hồi, lại liên kết với những việc xấu lão Từ làm nhiều năm nay thế là cô lập tức hiểu ra.
Cô dùng mắt cá chết mà trừng Từ Nghĩa Sinh, cố gắng truyền đạt: “Cha lại định úp sọt con hả?”
Từ Nghĩa Sinh thấy cô không hé răng thì cũng đành nở nụ cười, khuôn mặt già cũng dày hơn một tầng mà nói: “Không dối gạt hai vị, tôi chính là nghe lão Lý nói con trai nhà này cũng học lớp 11, thành tích lại tốt, còn đạt không ít giải thưởng nên mới nhanh chóng mang con mình tới cửa chào hỏi một tiếng.”
Ông nói một cách nhiệt tình lại dào dạt, cực kỳ thành khẩn, bàn tay dày đặc vết chai đập lên lưng Từ Vãn Tinh một cái khiến cả người cô rung lên, lưng cũng thẳng tắp.
“Vãn Tinh nhà tôi từ nhỏ đã thông minh hiểu chuyện, còn nhỏ đã bắt đầu đến chợ đêm giúp tôi bán sủi cảo.
Hàng xóm láng giềng đều khen con bé có hiếu.” Đây là ưu điểm thứ nhất.
“Con bé thích học tập, cũng đặc biệt chăm chỉ.
Trước kia khi còn nhỏ tôi không yên tâm để một mình nó ở trong nhà nên mang nó theo bán sủi cảo.
Khi ấy mỗi ngày con bé đều ngồi bên cạnh sạp hàng làm bài tập.
Bà chủ quán trà thấy con bé chăm chỉ như thế thì để nó đi tới sau quầy làm bài, nói đứa nhỏ này thực là hiếu học.” Đây là ưu điểm thứ hai.
“Còn chưa hết, con nhỏ này đặc trượng nghĩa, từ nhỏ đã không quen nhìn đứa nhỏ khác kéo bè kéo cánh bắt nạt bạn bè.
Đừng nhìn nó chỉ là con gái nhưng từ nhỏ đã nhiều lần hành hiệp, lấy giúp người làm niềm vui, đó là lý do bạn học trong trường đều thích nó.” Đây là ưu điểm thứ ba.
Sau đó Từ Nghĩa Sinh lại thao thao bất tuyệt mà nói thêm một đống ưu điểm nữa, bằng chứng xác thực, luận cứ đầy đủ.
Từ Vãn Tinh trợn mắt há hốc mồm mà nhìn lão Từ, cái người xưa nay ăn nói không giỏi sao lại có thể miệng lưỡi lưu loát mà đếm ra bao nhiêu ưu điểm cho cô như thế này được?
Cô cực lực nghi ngờ cha mình đã viết sẵn ra và tập tành từ trước.
Đương nhiên, Từ Nghĩa Sinh nhanh chóng tiến vào chủ đề chính: Nếu hai đứa nhỏ đã xuất sắc như thế thì sau này hẳn sẽ là bạn tốt, cùng nhau tiến bộ!
Ông dõng dạc hùng hồn vẽ ra triển vọng tương lai: “Con trai hai người có thành tích tốt như thế thì để Vãn Tinh đi theo học hỏi một chút.
Vãn Tinh nhà chúng tôi ở trường đúng là nhân duyên tốt, lại thích giúp đỡ bạn bè nên để con bé mang tiểu Dã làm quen với hoàn cảnh.”
Kiều Mộ Thành cười ha ha: “Vậy thì không còn gì hơn nữa! Không dối gạt anh, tiểu Dã nhà chúng tôi cái gì cũng tốt, chỉ có tính cách hơi khép kín, tôi còn đang sợ nó chuyển tới đây sẽ cô đơn, không có bạn bè.
Nay có Vãn Tinh giúp nó hòa nhập thì không thể mong gì hơn.”
Từ Vãn Tinh: “………………”
Chờ một chút, sao câu chuyện lại có tiết tấu này? Cô cũng không biết cái tên tiểu Dã kia là thần thánh phương nào, sao cô phải dẫn dắt hắn cùng hòa nhập chứ!?
Từ Vãn Tinh nghẹn họng ngồi đó nhìn trân trối, cô bị một chiêu tiền trảm hậu tấu của lão Từ đánh cho da đầu tê dại.
Cùng lúc ấy phía cửa truyền đến động tĩnh, có người đẩy cửa vào.
Năm phút trước Kiều Dã đạp xe từ cửa hàng văn phòng phẩm về lại thấy ngoài sân đèn đuốc sáng ngời, trong phòng khách có thêm hai người khác.
Một nhà ba người bọn họ mới chuyển tới mấy ngày nên lý ra không thể có người quen tới cửa mới đúng chứ.
Cậu nghi hoặc đi lên bậc thang, dừng ở cổng lớn đúng lúc nghe thấy phòng trong truyền đến tiếng một ông bố đang nhiệt tình trào dâng trình bày bài “diễn thuyết cá nhân” —— đối tượng được nói tới là một Lôi Phong sống sờ sờ.
Người này hiếu thuận cha mẹ, chịu khổ nhọc, khắc khổ học tập lại thích giúp đỡ mọi người.
Kiều Dã: “……”
Cậu cực kỳ hoài nghi trị an của nơi này không tốt, hẳn là kẻ bán hàng đa cấp nào đó đang tới cửa câu cá.
Là một người nghiêm cẩn nên cậu nhanh chóng rút điện thoại từ trong túi ra rồi lặng yên nghe tiếp nội dung ở trong phòng.
Chỉ có điều càng nghe cậu càng hồ đồ, chẳng lẽ đám bán hàng đa cấp thời buổi này đã đổi chiêu số rồi ư? Bọn họ không đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm mà đổi thành đẩy mạnh tiêu thụ con gái hả?
Từ Nghĩa Sinh nói mấy câu thì đã nhắc tới “Vãn Tinh” vô số lần.
Ban đầu Kiều Dã còn không nghe rõ nhưng đến cuối cùng khi hai ông bố đã qua phần nhạc dạo và nhanh chóng vì hai đứa con của mình vun đắp tình “bạn tốt” thì cái đầu thiên tài của cậu mới hiểu ra cái từ mà Từ Nghĩa Sinh lặp lại vô số lần kia là gì.
“Vãn Tinh của chúng tôi”, “Vãn Tinh nhà tôi”, “Vãn Tinh”……
Sao nghe có vẻ quen tai vậy nhỉ?
Gió giữa hè thổi qua đình viện, phất qua sống lưng của cậu.
Giây tiếp theo giống như có một dòng điện từ chỗ xương cụt chạy lên, nháy mắt gợn lên vô số phản ứng trên vỏ não.
Vãn Tinh!
Biểu tình trên mặt Kiều Dã cứng đờ, tay nắm di động đẩy cửa vào sau đó yên lặng nhìn kẻ đang ngồi trên ghế sô pha nhà mình.
Cùng lúc ấy bốn người trong phòng khách cũng nghe thấy tiếng động và đồng thời quay đầu lại.
Kiều Mộ Thành: “Ha ha, nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo đến.
Tiểu Dã đã về rồi đó.”
Từ Nghĩa Sinh: “Vừa lúc, mau, Vãn Tinh, mau đi lên chào hỏi bạn đi con.
Về sau con phải học tập tiểu Dã cho tốt, có gì không hiểu thì hỏi.”
Kiều Mộ Thành: “Nói gì thế, Vãn Tinh nỗ lực như vậy thì tiểu Dã nhà chúng tôi phải học tập con bé mới phải.”
Từ Nghĩa Sinh: “Vậy phải học tập nhau, rồi cùng nhau tiến bộ!”
……
Hai ông bố nhiệt tình như lửa mà hàn huyên một lúc, cuối cùng bọn họ mới phát hiện ra sao hai đứa nhỏ chả có phản ứng gì vậy?
Kiều Mộ Thành khó hiểu mà nhìn thằng con trai vẫn đứng ở cổng lớn không nhúc: “Tiểu Dã, đứng ngây ra đó làm gì? Đi vào đây.”
Từ Nghĩa Sinh dùng khuỷu tay trộm huých Từ Vãn Tinh một chút sau đó đè thấp giọng nói: “Ông đây đã làm xong phần mình, con còn ngẩn ra làm gì? Mau phối hợp đi!”
Trong căn phòng khách sáng trưng có một bà mẹ vẻ mặt nghi hoặc, hai ông bố tự ra trận gọi con nhà mình, chỉ có hai đương sự vẫn không nhúc nhích mà ngây ra.
Biểu tình của Từ Vãn Tinh hết sức hoàn mỹ, thuyết minh một cách hoàn hảo mấy cái biểu tượng đờ đẫn rối loạn trong truyền thuyết:
!!!
???
¥%……&*#!
Mà Kiều Dã ——
Kiều Dã chỉ còn lại vài dấu chấm …………………………
Đúng hơn là một đám dấu chấm đếm không hết.
Mặt cậu không biểu tình nhìn chằm chằm Từ Vãn Tinh đang ngồi trong phòng khách.
Rốt cuộc nghe thấy lão Kiều đồng chí ngàn hô vạn gọi cậu mới mở miệng nói một câu với Từ Nghĩa Sinh.
Cậu nho nhã lễ độ, khách khí nói: “Chú còn nói thiếu một ưu điểm của bạn ấy đó.”
Từ Nghĩa Sinh chẳng hiểu gì cả mà nghi hoặc mở miệng: “Hử?”
“Bạn ấy có khắc khổ học tập, hiếu thuận với người lớn hay thích giúp đỡ người khác không thì cháu không biết.” Ánh mắt Kiều Dã nhìn Từ Vãn Tinh sau đó thành tâm thành ý nói, “Nhưng bạn ấy ——”
Mọi tiếng động đều lặng im, trong phòng khách chỉ còn một câu bâng quơ nhưng lại rất có khí phách: “Nhưng lúc bạn ấy tụ tập đánh bạc thì quả thực rất là lành nghề.”