Vân Phù Nhược Mộng Lai

Chương 13


Hai ngày sau, hắn lại trở về quê, lần này không bị sưng mặt nhưng đi lại hơi khập khiễng. Lần trước là mẫu thân hắn tát mặt hắn, lần này có lẽ bị phụ thân hắn đánh vào chân.

“Mẫu thân đã tát ta mấy cái, lần này đến lượt phụ thân đánh vài roi. Ta đã tìm đến tộc trưởng.”

“?”

“Trước kia ta đem toàn bộ tiền bạc mình kiếm được về nhà, nói là để dành cưới vợ. Giờ muốn lấy vợ lại chẳng được cho một xu…”

Người đàn ông to lớn ấy ngồi thu mình một bên, nước mắt chảy dài. Đó là nỗi đau trong lòng, cũng là sự tuyệt vọng.

“Vậy họ có đồng ý cho không?”

“Không, phụ mẫu ta nói nếu nhất định muốn lấy tiền từ nhà thì phải chia gia tài, đuổi ta ra khỏi nhà.”

Có chuyện tốt như vậy sao?

“Chia gia tài rồi chúng ta sống riêng cũng tốt.”

Thành An ngẩng đầu nhìn ta, ánh mắt đầy vẻ khó hiểu.

“Chúng ta làm việc ở Triệu phủ, dù hai năm tới không có đồng nào, nhưng hai năm sau không chừng sẽ có một cuộc sống khác. Chia gia tài rồi sau này chúng ta không qua lại gì nữa, họ cũng không có cớ gì để lợi dụng chúng ta.”







“Về phần phụ mẫu huynh… Trong làng ai lo phụng dưỡng phụ mẫu đều góp một khoản bạc và gạo nhất định, chúng ta cũng sẽ góp dư ra một chút để không bị ai nói ra nói vào.”

“Thành An, sống ở đời phải biết nghĩ cho mình một chút.”

“Giờ chỉ có ta và huynh, nhưng sau này chúng ta sẽ có con cái. “

“Một đứa, hai đứa, rồi ba đứa, chúng ta cũng sẽ làm phụ mẫu của chúng. Nếu không có một xu trong túi thì việc ăn mặc còn tạm lo được, lỡ bệnh tật thì sao? Lại tìm lão đại phu họ Tô để vay nợ à? Nợ cũ chưa trả hết lại thêm nợ mới, ai muốn qua lại với huynh?”

"Khi chia gia tài, tài sản sẽ được chia đều cho các huynh đệ của huynh. Phần của huynh trong tài sản đó có thể được dùng để phụng dưỡng phụ mẫu và mỗi năm mình sẽ gửi thêm chút bạc, chút gạo để trọn đạo hiếu. Phụ mẫu sống ở đâu thì phần tài sản của huynh sẽ được gửi về nơi đó để giúp đỡ, xem như đóng góp vào việc phụng dưỡng họ."

Ta nghĩ đến chuyện chuyển đến huyện thành, vậy thì mấy người huynh đệ của Thành An cũng không thể mãi giữ phần tài sản của hắn.

Nếu họ phụng dưỡng phụ mẫu, khi hai cụ qua đời, phần gia sản đáng lẽ thuộc về Thành An sẽ bị chia đều cho họ.

Vì đất đai, nhà cửa, họ hẳn sẽ để hai cụ ở lại quê.

Thành An không phải người có đầu óc tính toán, cũng chẳng có đủ sự cứng rắn.

Lời ta nói với hắn phải nhắc đi nhắc lại mấy lần hắn mới hiểu, nhưng dường như vẫn chưa nắm rõ hết. Hắn chỉ biết phụ mẫu đối xử với hắn không tốt, nói rồi lại không giữ lời, đến khi mời cả tộc trưởng đến mà họ vẫn không chịu nhượng bộ.

Điều hắn muốn cho ta, ta không thật sự mong cầu. Nhưng vì hắn khăng khăng, ta không muốn làm hắn nản lòng, chỉ có thể nhẹ nhàng khuyên nhủ.





Thôi thì cứ từ từ dạy hắn vậy.

Triệu lão gia chuẩn bị đi phủ thành làm việc, Thành An và những người khác phải theo cùng. Triệu thái thái cho chúng ta nghỉ hai ngày để có thể ra ngoài đi dạo một chút. Lần này bà không thiên vị ai, mỗi người đều được thưởng một trăm văn tiền.

Là người làm, chúng ta không được phép đi cổng chính, chỉ được đi cổng sau. Dù vậy, việc được ra ngoài vẫn là một niềm vui nho nhỏ.

Ta mang theo không ít tiền, định mua chút vải vóc và vài thứ lặt vặt. Kim chỉ thì không cần mua, nhưng nước mát hứa làm cho Thành An thì cần chuẩn bị sẵn. Túi nước giá cao, ta không thể mua cho hắn, chỉ mua hai quả bầu đựng nước lớn, loại này rẻ hơn, đủ đựng nước cho cả ngày. Ta cũng ghé hiệu thuốc mua thêm mía lau, rễ cỏ tranh, miếng lê khô và táo đỏ.

“Vân tỷ tỷ, tỷ mua mấy thứ này làm gì vậy?”

“Để đun nước uống.”

Không giống như A Hỷ mua lụa và khăn tay, ta phải tiết kiệm để dành tiền cho những thứ cần thiết nhất. Đi ngang qua cửa hàng môi giới, ta chợt có ý định vào hỏi thử giá nhà cửa.

“Nhà nhỏ, nằm ở vùng hẻo lánh thì phải từ mười lượng trở lên. Gần phố chính hơn một chút nhưng không rộng lắm thì giá hai mươi lượng. Nhà có mặt tiền gần phố để mở cửa hàng thì phải từ một trăm lượng.”

Nếu không có khả năng, e là cả đời cũng không mua nổi một căn nhà.

A Hỷ và mấy người khác động viên: “Vân tỷ tỷ, tỷ có tài nấu ăn, lại biết chữ, mua nhà chỉ là chuyện sớm muộn thôi mà.”

“Cảm ơn lời chúc của các muội.”